Sự kiện hướng theo nhiều mục tiêu khác nhau: Trước hết, đó là địa điểm và cuộc gặp gỡ của các nghệ sỹ hiện đang làm việc tại nước ngoài với các nghệ sỹ đang hoạt động nghệ thuật trong nước trong bối cảnh thiếu hệ thống hỗ trợ công và các dự án nghệ thuật theo hợp đồng. Tiến xa hơn, Trại hè mang đến cho những người tham dự không gian để thử nghiệm ý tưởng mới, những phương pháp tiếp cận không thường gặp hay những dạng thức hợp tác mới giữa các lĩnh vực và các yếu tố âm nhạc, múa, ánh ánh, sân khấu lớn... với nhau.
Ý tưởng dự án được khởi xướng năm 2017 tại Tp. HCM với sự tham gia của GS. Dieter Heitkamp, khi đó tới Việt Nam với tư cách biên đạo múa, và hai đối tác trong lĩnh vực múa đương đại là biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly, khi đó à Phó hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh và nhạc trưởng, NSƯT – giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Viện Goethe đã quyết định kết thúc vai trò điều phối liên hoan „Múa Đương đại: Sự gặp gỡ Á-“ sau bảy năm liên tiếp và tập trung vào việc mang đến cho các nghệ sỹ trong nước một nguồn khích lệ và khoảng nghỉ để góp phần giúp họ tạo ra những cảm ứng sáng tạo bất tận mới.
Chúng tôi muốn mang đến cho các nghệ sỹ trong lĩnh vực múa cơ hội để nạp thêm sức mạnh và tinh thần sáng sáng tạo trước khi họ trở quay lại với áp lực phải tạo thêm các tác phẩm mới. Điều được hướng đến chính là cơ hội thử nghiệm và khám phá những khía cạnh mới, những ý tưởng sân khấu mới trong hai tuần liên tiếp. Chúng tôi muốn biên đạo tập trung vào yếu tố âm nhạc và từ đó tự đặt ra câu hỏi, liệu ai là người chúng ta đủ tin tưởng để trao cho vai trò thuyền trưởng chèo lái con tàu với bao tình huống còn mới và lạ với nghệ thuật trình diễn Châu Á, người ấy phải giày dặn kinh nghiệm và trên hết phải là người sống được từ lao động nghệ thuật của mình. Chúng tôi đã tìm kiếm một bậc thầy trong lĩnh vực nghệ thuật của người đó, một người có đủ quyền và khả năng cho sự đổi mới trên sân khấu. Tất nhiên, khi xét kĩ lưỡng theo các khía cạnh trên, một cái tên đặc biệt đã lập tức xuất hiện. Đó chính là hành trình chúng tôi tìm đến Heiner Goebbels – và đã bất ngờ ngoài dự tính đã nhận được lời đồng ý của ông!
Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018 do Viện Goethe Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với trường Cao đẳng Múa Việt Nam tổ chức đã khép lại bằng một buổi biểu diễn đầy ấn tượng vào ngày 27/7.
Chương trình gồm sáu vở diễn, kéo dài hai tiếng là thành quả của quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của tám biên đạo múa và chín nhạc sĩ trẻ hoạt động trong và ngoài nước. Trại hè diễn ra trong hai tuần dưới sự hướng dẫn của Heiner Goebbels và NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc VNOB).
Sức mạnh của trí tưởng tượng!
Buổi diễn bắt đầu với một vài nghệ sĩ múa đứng tụm lại ở góc phải cánh gà, bất động nhìn về phía rìa sân khấu nơi âm thanh bắt đầu vang lên. Khi đôi mắt bị bịt kín, thính giác con người bỗng trở nên nhạy bén một cách kỳ lạ. Khán giả gần như có thể phân biệt được từng âm thanh đơn lẻ của tiếng gió thổi ù ù, kèm theo tiếng rít của âm thanh điện tử và các vật liệu ma sát vào nhau, tiếng đàn tranh lúc thì vang lên thật thánh thót nhịp nhàng, lúc lại rít lên cao vút, khi thì lặp lại những nốt nhạc chói gắt như tiếng chuông báo thức.
Trí tưởng tượng được kích hoạt bởi âm thanh. Đèn sân khấu lại một lần nữa sáng lên và những "vật thể lạ" bắt đầu "bay" ra sân khấu và các vũ công bắt đầu xuất hiện trở lại. Họ không “múa” như ta vẫn hình dung, mà chỉ đứng bất động ở đó hoặc đi lại tha thẩn, nhặt nhạnh, chắp nối, tha lôi các vật thể lúc này có thể nhìn rõ hình dáng tựa như những đám mây xám xịt. Có những kẻ lao ra sờ nắn chúng rồi rút lui chậm rãi và đề phòng. Cái chúng ta thường gọi là “Múa” chỉ thực sự xuất hiện ở phút thứ tám của vở diễn mở màn dài 16 phút khi một nữ diễn viên trong bộ trang phục trắng muốt vốn núp sau một đám mây đen bất ngờ lộ diện giữa sân khấu. Có lúc cô như một đám mây trắng phiêu dạt trên bầu trời, có lúc lại giống một chú chim ra sức vô cánh trong gió dữ, lúc thì biến thành một vật thể phi hình dạng bị mắc kẹt đâu đó, đang run lên phần phật cố gắng để được tự do... Phần âm nhạc lúc thì bổ trợ cho động tác của các diễn viên, lúc lại đối lập với những chuyển động trên sân khấu, đôi khi đưa người xem vào một vùng không gian yên ả thanh bình, lúc lại kéo họ vào trung tâm của sự hỗn loạn.
Đến lúc này người xem mới hiểu được phần nào ý nghĩa của lời giới thiệu của Heiner Gobbles: "Xin mọi người đừng nghĩ rằng đây là một buổi biểu diễn hoàn chỉnh hoặc chờ đợi một tác phẩm múa hoàn chỉnh. Tôi không cho rằng tác phẩm cần bất kỳ sự giới thiệu hay chuẩn bị nào cho khán giả. Nhưng chúng cần những khán giả tò mò, không mong chờ thì thấy những gì mà họ đã biết trước đó.”
Chương trình bao gồm nhiều vở diễn. Chúng được sắp xếp để ngày càng trở nên phức tạp hơn, chứa đựng nhiều lớp lang hơn dẫn tới sự tham gia của ngày càng nhiều các diễn viên trên sân khấu và nhạc sĩ ở hai bên sườn hoặc rìa phía trước sân khấu, cùng nghệ sĩ thiết kế ánh sáng ở phía sau, các tấm phông sân khấu và đạo cụ được mang ra và trở thành chủ đề chính cho những vở diễn.
Trên sân khấu phải quên mình đi
Buổi diễn tổng kết trại hè thách thức người xem vượt ra khỏi quan niệm về một vở múa truyền thống phải có những vũ đạo đẹp, âm nhạc và vũ điệu hài hòa, và phải truyền tải một câu chuyện hay thông điệp nào đó. Hai tuần tập luyện trong trại hè thách thức tất cả những người tham dự. Nó đưa ra một hướng tiếp cận mới tới tất cả những yếu tố tạo nên phép màu của sân khấu.
Phần đầu của giai đoạn hình thành ý tưởng cho các tác phẩm, các nghệ sĩ tham gia thử nghiệm với các đạo cụ có sẵn, dưới ảnh hưởng của âm nhạc, ánh sáng và những phản ứng khác nhau đối với đạo cụ. Trong tuần tiếp theo, những ý tưởng mới và các màn trình diễn ứng tác hay nhất sẽ được chọn lọc, tập luyện và gọt giũa để trở thành tác phẩm cho buổi trình diễn cuối cùng.
Điều cốt lõi trong triết lý và tư duy sáng tác của Heiner là vài trò bình đẳng trên sân khấu từ đồ vật đến con người, tới âm thanh, ánh sáng và thậm chí cả không gian. Điều đó đối lập với tư duy ta là là trung tâm trên sân khấu. Thay vào đó nghệ sĩ phải học cách nghĩ rằng họ chỉ là một trong những nhân tố của một nhóm nơi tất cả đều có mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau và phải cùng nhau đưa tới cho khán giả một bức tranh tổng thể trên sân khấu. Điều quan trọng với nghệ sĩ là phải biết: làm cái gì, vào lúc nào, bao lâu và như thế nào. Đó là những câu hỏi quan trọng mà mỗi nghệ sĩ tham gia trại hè cần trả lời để có thể tiếp tục con đường nghệ thuật của mình như những biên đạo múa, những nhạc sĩ độc lập, có tư duy riêng và khả năng sáng tạo ra những tác phẩm của riêng mình.
Đã thất vọng vì nhau - đó là lý do họ phải cùng nhau làm việc
“Hai tuần của Trại hè không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ” NSƯT Trần Ly Ly nói. “Có những ngày rất chán khi tất cả đều xuống tinh thần và không ai biết phải đi tiếp bằng cách nào,” Trong quá trình tập luyện có những khoảnh khắc thăng hoa khi mọi chuyện đều được thực hiện quá tốt, nhưng cũng có những lúc cũng xảy ra “tranh cãi nảy lửa” giữa thầy và trò vì bất đồng ý kiến, và vì các nghệ sĩ đôi lúc để sự ngẫu hứng đi quá xa và đặt cái tôi của mình lên quá cao trong việc tạo ra một tác phẩm chung. “Tôi có rất nhiều khoảnh khắc thất vọng trong hai tuần vừa qua khi chúng tôi luyện tập.” Giáo sư Heiner chia sẻ. Tuy nhiên, “đó là lý do vì sao chúng tôi phải làm việc cùng nhau. Và điều đó là hiển nhiên vì đây là một phương pháp tiếp cận còn rất mới với họ,” ông cho biết thêm.
Một số nghệ sĩ tham gia trại hè đã có kinh nghiệm làm việc tương tự trước đó, chẳng hạn nhạc sĩ ứng tác Phạm Thị Tâm đến từ Trung Tâm Nhạc & Nghệ Thuật Thể Nghiệm Đom Đóm cho biết chị đã làm việc với một nhóm nhỏ các nhạc sĩ và nghệ sĩ múa để cho ra các tác phẩm ứng tác. Tuy nhiên, ứng tác trong biểu diễn là một điều rất khó, và đôi khi nó khiến họ loay hoay không biết là mình nên đi đâu, đang đi trên con đường thế nào. “Đối với một nhóm nhỏ thì sự tập trung được dồn lại ở một số ít người và khả năng bao quát, quán xuyến, phối hợp sẽ tốt hơn. Nhưng với một nhóm lớn, điều khó khăn là mình phải quyết định nên dành sự tập trung vào đâu. Và quá trình tham gia workshop chính là quá trình chúng tôi học hỏi để giải quyết khó khăn ấy.”
Còn Thùy Linh, một nghệ sĩ trẻ mới bước chân vào thực hành âm nhạc thử nghiệm cho biết: “Khi cùng nhau luyện tập và lắng nghe thầy Heiner nhận xét cho phần biểu diễn của từng người, em đã học hỏi được rất nhiều thứ không chỉ về âm nhạc. Nhờ đó em nhận ra các bộ môn nghệ thuật đương đại đều có tiếng nói chung. Và cái em nhận được nhiều hơn là nhiệt huyết và tinh thần mà tất cả mọi người ở đây đều có và sự nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật. Chỉ hai tuần ngắn ngủi mà em cảm thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Bây giờ lớp kết thúc rồi em thấy hơi buồn. Sau hôm nay cuộc sống lại quay trở lại như bình thường khiến em có phần cảm thấy hơi hụt hẫng và rất mong sẽ có cơ hội gặp lại mọi người và lại làm việc tiếp.”
Giáo sư Heiner cũng nhắn nhủ tới các học trò của mình: “Tôi hy vọng mọi nghệ sĩ tham gia chương trình này sẽ nhớ về những gì họ đã trải qua và tiếp tục sử dụng kinh nghiệm này để sáng tạo các tác phẩm tương lai.”
- Bài tổng hợp được thực hiện bởi Út Quyên cho HanoiGrapvine.com và viện Goethe Việt Nam - |