Cầu nối đại học là gì?

Cầu nối đại học Đức © fotolia/Ảnh: Jacob Lund

Cầu nối đại học là chương trình của Goethe-Institut hợp tác với các trường trong khối trường Đại học Allianz Ruhr (Đại học Tổng hợp Ruhr Bochum, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dortmund, Đại học Tổng hợp Duisburg-Essen), Đại học Siegen, Đại học Tổng hợp Rheinische Friedrich-Wilhelms tại Bonn, Đại học RWTH Aachen, Đại học Châu Âu Viadrina, Đại học Bauhaus-Weimar, Đại học Tổng hợp Siegen và Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD).

Cầu nối đại học Đức

Cầu nối đại học Đức | © Getty Images/Ảnh: Frank Lukasseck

Chương trình hướng tới các học sinh có thành tích học tập xuất sắc và biết tiếng Đức, có ý định du học Đức trong các lĩnh vực thuộc Khoa học tự nhiên như Toán, Tin học, các môn tự nhiên, kỹ thuật (các môn MINT) hoặc Quản trị kinh doanh Quốc tế. Việc chuẩn bị có định hướng về ngoại ngữ, ngôn ngữ chuyên ngành và học tập liên văn hóa tại nước mình sẽ giúp các học sinh được tuyển thẳng vào đại học tại một trường đại học đối tác ở Đức.
 
Cho đến nay học sinh từ phần lớn các quốc gia ngoài châu Âu không được tuyển thẳng vào các trường đại học tại Đức sau khi tốt nghiệp phổ thông. Các sinh viên hoặc phải học từ một đến hai năm tại một trường đại học trong nước, hoặc phải học dự bị đại học ở Đức trước khi vào đại học. Sau khi bang Nordrhein-Westfalen cho phép học sinh vào thẳng đại học thông qua bài kiểm tra để đánh giá khả năng học đại học, các thí sinh đã có thể nộp đơn xin vào học thẳng đại học. Tiền đề để đạt được điều đó là các thí sinh tham gia thành công chương trình Cầu nối đại học tại nước mình. Sự kết hợp giữa các khóa học tiếng, các kỳ thi (TestDaF và TestAS bao gồm chương trình chuẩn bị), các khóa tiếng chuyên ngành MINT, đào tạo về liên văn hóa cũng như công tác tư vấn du học sẽ giúp các học sinh được chuẩn bị toàn diện cho việc học đại học tại Đức.
 
Hàng năm các trường đại học đối tác tại Đức giành một số lượng chỉ tiêu tuyển sinh nhất định cho các học sinh tham gia chương trình Cầu nối đại học. Những học sinh tham gia thành công chương trình này có thể đặt đơn xin vào học thẳng đại học tại một trong các trường đại học đối tác tại Đức. Các trường cũng có chương trình hỗ trợ toàn diện từ khi các tân sinh viên nhập học cũng như trong quá trình học đại học.
 
Chương trình cầu nối đại học được thực hiện thành công từ năm 2015 tại Nga, Ucraina, Gruzia và Kazakhstan. Từ 2018 chương trình được mở rộng ra những nước khác, bao gồm cả Việt Nam.
 
Chương trình Cầu nối đại học Việt Nam bắt đầu vào mùa hè, sau khi các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là chương trình toàn thời gian kéo dài mười tháng với khóa học tiếng đến hết trình độ C1. Đồng thời, các sinh viên sẽ được trang bị ngôn ngữ chuyên ngành, đào tạo liên văn hóa và chuẩn bị cho việc học đại học tại Đức.
 
Chương trình giúp các sinh viên được tuyển thẳng vào đai học tại một trường đại học đối tác ở Đức mà không cần học dự bị đại học tại Đức hay học hết bốn học kỳ tại một trường đại học của Việt Nam.

ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH – NỘI DUNG – HỌC PHÍ

Đối tượng tuyển sinh là các học sinh đang học lớp 12. Điều kiện nộp đơn dự tuyển:
  • Trình độ tiếng Đức A2-B1, được chứng minh bằng bài kiểm tra đầu vào khi bắt đầu chương trình, hoặc thông qua chứng chỉ tiếng Goethe-Zertifikat.
  • Điểm trung bình tối thiểu năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên.
  • Điểm thi TestAS từ 100 trở lên (cả mô đun Tổng hợp và mô đun Chuyên ngành)
  • Thư trình bày động lực
  • Cam kết đồng ý của phụ huynh (hoặc người giám hộ) bằng văn bản.
Điều kiện xét tuyển:
  • Tốt nghiệp THPT và được nhận vào hệ chính quy của một trường đại học ở Việt Nam.

Các đối tác

HAN STB Partner 7360

Được hỗ trợ bởi:

Bộ ngoại giao Đức