Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)
Sustainable community-based tourism development in Tam My Tay communeẢnh (chi tiết): © Nguyễn Nhiên

Thông tin chung

Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” do Mạng lưới các Tổ chức văn hóa châu Âu (EUNIC) và Phân Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) được Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Quảng Nam phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 200/QĐ-SKHĐT, ngày 29/07/2022. Mục tiêu chính của dự án là góp phần bảo tồn quần thể Chà vá chân xám, phát triển sinh kế và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua mô hình du lịch cộng đồng ở xã Tam Mỹ Tây.

Dự án là kết quả của những phát hiện từ các nghiên cứu và thành tựu hoạt động của ba Tổ chức Phi lợi nhuận địa phương GreenViet, CAB Hoian và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Cộng đồng địa phương tham gia vào dự án, có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn. Đối tượng mục tiêu chính của dự án là 60 hộ gia đình đang sống bằng độc canh cây keo trên 30 hecta đất ở khu vực miền núi Tam Mỹ Tây.

Tuy nhiên, việc độc canh keo trong môi trường sống của voọc Chà vá chân xám là không bền vững về mặt kinh tế và môi trường. Dự án hướng đến việc giải quyết vấn đề này và đưa giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, như một sinh kế thay thế cho người dân địa phương. Dự án hỗ trợ xây dựng bộ quy tắc và thực hành để quản lý và thực hành du lịch cộng đồng bền vững thông qua nghiên cứu và thảo luận cởi mở, đào tạo cho các thành viên cộng đồng và hỗ trợ thực hiện các hoạt động của dự án. Phương pháp tiếp cận đa bên nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia, và hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực liên quan.

Kết quả đầu ra khác của dự án chính là một nền tảng bản đồ câu chuyện kỹ thuật số với các thông tin về cảnh quan, đa dạng sinh học, địa lý và di sản văn hóa ở Tam Mỹ Tây và các khu vực lân cận. Đối với người dân địa phương, đó là sự minh bạch trong kinh doanh và quản lý du lịch với các nhà bảo vệ môi trường, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà đầu tư, khách du lịch. Từ đó, sẽ tạo nguồn thu đóng góp cho hoạt động bảo tồn và lao động địa phương.


Các hoạt động trong dự án

HAN 14.10.2022 “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” © Greenviet

T6, 14.10.2022, 14h00
Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Hội thảo
Địa điểm | Bàn Thạch Hotel, 10 Bạch Đằng, Tam Kỳ, Quảng Nam

Quy chế Du lịch dựa vào cộng đồng bền vững, xã Tam Mỹ Tây

Đây là một trong hai hợp phần quan trọng của dự án trong năm 2022. Sau các hội thảo tham vấn với cộng động và chính quyền địa phương cũng như các hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực, tính đến hiện tại, dự án đã xây dựng bản thảo Quy chế Du lịch dựa vào cộng đồng bền vững tại xã Tam Mỹ Tây, Quảng Nam để tiếp tục tham vấn và hoàn thiện. Bản thảo đã đề cập chi tiết hơn các tiêu chí của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng bền vững; sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình quản lý cũng như những đóng góp vào hoạt động bảo tồn trong khu vực.
 


Những câu chuyện về bảo tồn đa dạng sinh học

  • HAN Trong cai kho lo cai khon Ảnh: A Siu

    TRONG CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN | Tác giả: A Siu

    Trong đợt kiểm đếm vooc gần đây nhất vào thời gian tháng 7 năm 2022 tại xã Tam Mỹ Tây, chúng tôi đã thực địa kiểm đếm vọoc trong khu vực 4 hòn núi có các đàn vooc sinh sống. Tôi được phân công kiểm đếm vooc tại một hòn cục kỳ đặc biệt là khó phát hiện vooc nhất trong 4 hòn, đó là hòn Dương Bản Lầu. Để có thể quan sát được toàn bộ hòn núi từ đông sang tây tôi đã phải đi một vòng phía cánh dưới của cánh rừng để lựa chọn nhiều điểm đứn có thể quan sát được tốt nhất. Nhưng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi để có thể quan sát được gốc rộng. Không như lần kiểm vào năm 2020, lúc đấy người dân mới khai thác keo nên có khoảng trống để quan sát, bây giờ keo đã lên gần chục mét và khép tán nên các thành viên nhóm đã cùng thảo luận và tìm ra cách tiếp cận khác thay vì đứng điểm gần quan sát hẹp thì ngồi từ xa quan sát và chúng tôi đã tìm được 2 điểm thuận lợi nhất. Một điểm gần hồ Đồng Nhơn có cột cổng trang trại bị bỏ hoang khi trèo lên đó có thể quan sát bằng ống nhòm tổng quát cả cánh rừng, từ điểm đứng đó đến khu rừng khoảng 200 mét. Điểm thứ hai ở khu vực rừng phía Tây hòn núi có thể trèo lên cây bạch đàn cao hơn 15 mét để quan sát. Từ điểm cây bạch đàn đến cánh rừng có khả năng ghi nhận được vọoc khoảng 100 mét. Và đúng như thế, từ hai vị trí trên tôi đã đếm được 2 đàn vọoc có 10 cá thể.
  • HAN xe mat thang Ảnh: A Siu

    XE MẤT THẮNG (PHANH) | Tác giả: A Siu

    Tôi đặt tiêu đề xe mất thắng theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là lần đầu tiên tôi được đi vào Tam Mỹ Tây công tác cùng anh chị để thực hiện hoạt động phỏng vấn người dân về nhận thức của người dân nơi đây về rừng và động vật hoang dã. Chúng tôi được đi phỏng vấn người dân từ xã Tam Mỹ Tây lên đến xã Tam Trà. Tôi được phân nhóm đi cùng chiếc xe với cô sinh viên cũng mới ra trường để đi tới từng nhà người dân để phỏng vấn. Do đường lạ và xe mới mượn của ông chú trong nhóm tuần tra nên mình không để ý xe và đường đi dốc, vậy là cứ thế chạy băng băng trên đường và chở cô bạn đằng sau mà không hề hay biết xe đã bị rớt cái chốt đũa thắng. Đang chạy xuống đầu dốc xe lao nhanh tôi đạp phanh nhưng mất phanh không ăn, lúc đó ngực tôi cũng đập thình thịch và lo sợ nhưng tôi đã kịp bình tĩnh lại và xử lý. Với kinh nghiệm nhiều năm chạy đường núi tôi biết cách về lại số 1 cho xe hãm lại tốc độ đi chậm chậm lại và dừng lại kiểm tra. Đấy cũng là một câu chuyện và cũng là kỹ niệm của tôi đáng nhớ nhất ở Tam Mỹ Tây.
  • HAN Nhung nguoi ban nho Ảnh: Nguyễn Thị Thu Thảo

    NHỮNG NGƯỜI BẠN NHỎ | Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thảo

    Bức hình này tôi chụp được khi ở lại nhà anh Nguyễn Dư làm việc. Tình cờ các em nhỏ sang chơi trước sân, tôi tặng mỗi bạn một cuốn truyện tranh mà các bạn say mê mỗi người một góc đọc chăm chú. Việc vui chơi của các bạn nhỏ ở đây rất đơn giản. Đồ chơi chỉ vài món chơi đi chơi lại vài con thú nhựa, sáchvà truyện thiếu nhi thì càng hiếm hơn. Ngày đi học 1 buổi, buổi còn lại tụ tập chơi chung, chán thì lại xem điện thoại, chiều mát rủ nhau đi tắm Hố Giang Thơm. Thi thoảng tranh thủ được thời gian, tôi lại rủ cả bọn đi lên nhà chú Danh tắm hồ bơi, đứa nào đứa nấy đen nhẻm nhưng đáng yêu vô cùng. Mong sao các bạn nhỏ được tiếp cận với sách nhiều để thế giới tuổi thơ phong phú, nhiều màu sắc hơn.
  • HAN tham dan vooc ta duong ban lau Ảnh: Nguyễn Thị Thu Thảo

    THĂM ĐÀN VOỌC TẠI DƯƠNG BẢN LẦU | Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thảo

    "Đi khẽ, nói chuyện nhỏ thôi. Nói lớn là tụi nó không ra đâu". Chú Danh nhắc tôi và một bạn nhà báo tập sự trong một buổi chiều đi thăm đàn Vọoc. Bảo là đi chụp hình chú để làm phóng sự ảnh cơ mà chú cứ thấy Vọoc là quên mất mình là nhân vật chính. "Chụp, chụp, chụp đi, tụi nó kìa", "đó đó, nó chuẩn bị nhảy qua chỗ cây kia đó, canh máy sẵn đi con"... Chú thương đàn Vọoc như thế đấy. Chỉ cần nhìn thấy chúng là mắt chú sáng rực, ánh lên niềm vui khó tả. Dù có bận đến mấy một tháng chú cũng phải sắp xếp công việc lên thăm đàn Voọc 1, 2 lần. Mỗi khi nhìn thấy đàn Voọc phát triển, có nhiều con non chú vui lắm.
  • HAN Vooc dau dan Ảnh: Hoàng Quốc Huy

    VOỌC ĐẦU ĐÀN | Tác giả: Hoàng Quốc Huy

    “Vọoc đầu đàn” – đó là cái tên mà mọi người thường nhắc đến chú Võ Ngọc Danh mỗi lần họp, nói chuyện hoặc tuyên truyền cho bà con về bảo vệ loài Vọoc Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành, Quảng Nam. Với những người lần đầu gặp chú Danh, chắc ai cũng đều dễ bị cuốn hút bởi những câu chuyện thân thương, đầy cảm hứng mà chú kể về những đàn Vọoc mà chú đang “trông coi” như con cháu của mình. Chú Danh là người đầu tiên tự nguyện bảo vệ đàn Vọoc tại núi Hòn Dồ bằng những việc làm đơn giản như vận động bà con không lấn chiếm rừng tự nhiên, để dành những mảnh rừng còn lại cho Vọoc sinh sống, hàng ngày lên núi trong nom đàn Vọoc, xua đuổi những người bẫy thú, bẫy chim... rồi dần dần tạo lập nên Nhóm Tiên phong bảo tồn loài Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây gồm 19 thành viên hiện nay. Qua thời gian gắn bó lâu dài với đàn Vọoc từ những năm 2010 nên những hiểu biết của chú Danh về tập tính, vùng sống và đặc điểm của từng gia đình Vọoc ở cả 4 khu vực núi thật sự làm người nghe vô cùng nể phục, ngay cả các nhà khoa học cũng rất kinh ngạc với những kiến thức thực tế của chú. Nếu có dịp đến Tam Mỹ Tây, ắt hẳn bạn sẽ có dịp gặp chú Danh, cùng chú đi vào núi ngắm Vọoc và chìm đắm trong những câu chuyện đầy thú vị do “Vọoc đầu đàn” kể.
  • HAN tu hieu den thuong Ảnh: Võ Ngọc Danh

    TỪ HIỂU ĐẾN THƯƠNG | Tác giả: Võ Ngọc Danh

    Bao năm sống gần rừng, gắn bó với rừng, niềm vui khi về già của tôi là được đóng góp công sức gìn giữ rừng, bảo vệ đàn Voọc Chà vá chân xám. Coi rừng là ngôi nhà thứ hai, coi Voọc như con và coi đó là báu vật của Tam Mỹ Tây. Trong những lần tham gia tuần tra, những lần bắt gặp thợ săn, tôi luôn chọn cách ân cần giải thích cho họ hiểu tầm quan trọng của rừng, của động vật hoang dã và sự quý giá của đàn Voọc Chà vá chân xám. Khi họ hiểu và thay đổi nhận thức họ sẽ không quay lại săn bắn động vật nữa. Tôi mong muốn mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng Nhóm tiên phong góp phần tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu và cùng chung tay gìn giữ đa dạng sinh học Tam Mỹ Tây.
  • HAN toi va be thao vooc Ảnh: Nguyễn Thị Thu Thảo

    TÔI VÀ BÉ THẢO VOỌC | Tác giả: Võ Ngọc Danh

    Năm 2018, trong một lần đi khảo sát vooc ở Hòn Ông, lúc xuống núi, bé Thảo bị trượt chân lao xuống vực, chúng tôi thót tim, rất may Thảo đã tóm được cây khô để gượng lại. Qua lần đó tôi thương nó hơn. Nếu như hôm đó không tóm được cây khô để gượng lại thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều năm đi rừng, vô vàn kỷ niệm đã trải qua nhưng kỷ niệm về lần trượt chân của nó trong chuyến đi Hòn Ông lần đó tôi không thể quên được. Bây giờ tôi đặt tên cho nó là Thảo Voọc. Cả số điện thoại tôi cũng lưu là Thảo vooc. Mỗi khi gặp đoàn đối tác hay nhà tài trợ nào tới Tam Mỹ Tây tôi đều nhắc về câu chuyện đó. Điều đó cũng nhắc nhở anh em chúng tôi cùng nhau nổ lực cố gắng bảo vệ CVCX tốt và ngày càng phát triển nữa.
  • HAN Nguoi ban dong hanh Ảnh: Nguyễn Dư

    NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH | Tác giả: Nguyễn Dư

    Đây là con chiến mã thân thương của tôi. Nó là người bạn đồng hành xuất sắc trong mỗi lần tuần tra. Dù nắng hay mưa, đường có ổ gà ổ vịt hay trơn lầy, bất kể sáng sớm hay đêm khuya nó đều không ngại khó khăn giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đi đến đâu nó đồng hành đến đó, thân thương như một người bạn.
  • HAN tam my tay kho bau mong manh Ảnh: Nguyễn Dư

    TAM MỸ TÂY – KHO BÁU MONG MANH | Tác giả: Nguyễn Dư

    Tam Mỹ Tây quê tôi là một kho báu – nơi có dòng sông Trầu thơ mộng chảy qua, có hồ Đồng Nhơn và có đập Bàu Vang trong xanh cho nguồn nước về ruộng đồng, có Hố Giang Thơm mát lành níu chân du khách những ngày hè nắng nóng, có rừng tự nhiên đa dạng các loài động thực vật và đặc biệt có một tài sản quý của cả thế giới – đó là Voọc Chà vá chân xám. Tuy nhiên, từ những lần gỡ bẫy chim, bẫy thú, nhìn những chú chim Cu xanh nằm thoi thóp, nhìn những xác nhím, sóc chết treo lơ lửng, tôi nhận ra kho báu ấy mong manh lắm. Nỗ lực tuyên truyền, tuần tra bảo vệ được rừng, bảo vệ được đàn Chà vá chân xám của anh em trong Nhóm tiên phong, GreenViet và kiểm lâm đã dần dần nâng cao ý thức của người dân, các tác động đến rừng đã giảm đáng kể, đàn Voọc ngày càng phát triển, nhiều hộ dân đã tự nguyện để lại những hàng keo giáp ranh với rừng tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta không biết gìn giữ, cộng đồng không chung tay bảo vệ thì kho báu ấy sẽ biến mất. Tôi mong sao người dân cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ kho báu quý không chỉ của riêng chúng ta mà còn là của cả nhân loại. Để sau này, khi nhắc tới Tam Mỹ Tây người ta sẽ nhớ đến mảnh đất không chỉ giàu văn hóa – lịch sử mà còn có tài nguyên đa dạng được gìn giữ từ rừng già đến sông xanh, nhớ tới đàn Voọc quý giá, hiền lành và nhớ tới con người Tam Mỹ Tây thân thiện, hiếu khách.
  • HAN mot ngay quan sat vooc © Viện Goethe Hà Nội

    MỘT NGÀY QUAN SÁT VOỌC | Tác giả: Nguyễn Hải

    Như đã hẹn từ cuộc họp chiều hôm trước, đúng 5h00 sáng tinh mơ, sương lạnh còn giăng khắp các đỉnh núi, anh em chúng tôi có mặt đầy đủ tại nhà ông Võ Ngọc Danh để kịp cho chuyến đi đếm Voọc. Sau khi kiểm tra đầy đủ dụng cụ ống nhòm, máy ảnh, phiếu khảo sát, điện thoại bật sẵn phần mềm SMART, anh em chúng tôi cùng đoàn GreenViet lên đường. Cứ 2 người 1 nhóm lần lượt đến các khu vực Voọc sống: Hòn Dương Bông, Hòn Dồ, Hòn Ông và Hòn Dương Bản Lầu. Ai cũng khe khẽ nhẹ nhàng tiếp cận vào các vị trí quan sát hợp lý, có tầm nhìn tốt nhất để phát hiện, ghi nhận và kiểm đếm số lượng Voọc. Suốt 1 ngày từ 5h30 đến 17h30, dù có nắng nóng, vất vả nhưng anh em chúng tôi ai cũng khấp khởi hy vọng khi đếm thêm được nhiều con non, đàn Voọc sinh sôi nảy nở và phát triển tốt hơn năm trước.
  • HAN tinh mau tu Ảnh: Nguyễn Nhiên

    TÌNH MẪU TỬ | Tác giả: Nguyễn Nhiên

    Trong một lần đi khảo sát Voọc khu vực Hòn Dồ, tới gần vị trí cây da ông Danh, anh em chúng tôi tính dừng chân dưới bóng mát cây da để nghỉ ngơi. Bỗng: rầm!!! – Đàn Voọc di chuyển xuống gần đó giật nảy mình chuyền cành tán loạn vì quá bất ngờ khi thấy sự xuất hiện của người, cả đàn Voọc hoảng hốt chạy về phía rừng tự nhiên. Tuy nhiên một bạn Voọc con bị mẹ bỏ lại. Lúc này, Voọc mẹ đã chạy được 1 quãng khá xa – gần tới bìa rừng tự nhiên và phát hiện mình bỏ quên Voọc con. Voọc mẹ vội vã quay lại về phía Voọc con đang ở gần chúng tôi với gương mặt vô cùng sợ hãi và cảnh giác. Càng gần chúng tôi, Voọc mẹ càng lưỡng lự, không dám lại gần ôm con. Tuy nhiên, với sức mạnh của tình mẫu tử Voọc mẹ đã vượt qua nỗi sợ hãi, bất chấp mối nguy hiểm, tới ôm Voọc con vào lòng và chạy về rừng tự nhiên. Chứng kiến toàn bộ câu chuyện, tôi vô cùng cảm động trước tình cảm của Voọc mẹ dành cho con. Tôi nghĩ nó cũng giống như con người vậy – luôn có tình mẫu tử thiêng liêng.
  • HAN nguoi canh giu vooc Ảnh: Huỳnh Công Phương

    NGƯỜI CANH GIỮ VOỌC | Tác giả: Huỳnh Công Phương

    Đây là bức ảnh mà tôi rất yêu quý. Bức ảnh này bác Nguyễn Trường Sinh – một nhiếp ảnh gia chụp cho tôi vào 6/2022 khi tôi dẫn bác đi chụp ảnh đàn Chà vá chân xám tại Hòn Dồ. Bác đặt tên cho tôi là Người canh giữ Voọc. Nhiều năm qua, canh giữ Voọc vừa là trách nhiệm và cũng vừa là niềm tự hào của tôi khi được góp phần công sức bảo vệ đàn Voọc quý hiếm tại quê hương Tam Mỹ Tây. Mong muốn của tôi là đàn Voọc tiếp tục sinh sôi nảy nở, rừng được bảo vệ để sau này du lịch mới phát triển, cộng đồng được hưởng lợi và cùng chung tay gìn giữ môi trường.
  • HAN niem vui Ảnh: Mai Trí

    NIỀM VUI | Tác giả: Mai Trí

    Đàn Voọc Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây ngày càng nhận được sự quan tâm của không chỉ chính quyền trong nước mà còn may mắn nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài. Mỗi vị khách đến với Tam Mỹ Tây đều mang thêm nhiều hi vọng mở ra cơ hội bảo vệ và phát triển quần thể Chà vá chân xám, cơ hội phát triển sinh kế cho cộng đồng. Được tiếp đón một vị khách là một niềm vui và nhiều vị khách là nhiều niềm vui. Hy vọng dự án của các nhà tài trợ sẽ đến được với Tam Mỹ Tây, góp phần gìn giữ, quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh Voọc Chà vá chân xám và phát triển du lịch bền vững cho quê hương.
  • HAN cay ngo dong Ảnh: Lương Thanh Vân

    CÂY NGÔ ĐỒNG | Tác giả: Lương Thanh Vân

    Sau 2 tiếng tuần tra vất vả trên núi Hòn Dồ, tôi dừng chân nghỉ ngơi dưới gốc cây ngô đồng. Cây to một người ôm không hết. Đi rừng nhiều năm, tôi thấy rất quý những loài cây cổ thụ như vậy. Những cây cao, tán rộng là nơi sinh hoạt ưa thích của đàn Voọc Chà vá chân xám. Tôi hy vọng cộng đồng cùng chung tay để giữ gìn và phát triển rừng tự nhiên Tam Mỹ Tây để tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật hoang dã nói chung và Chà vá chân xám nói riêng.
  • HAN hoi nong dan bao ve vooc cha va chan xam Ảnh: Lê Văn Hồng

    HỘI NÔNG DÂN CHUNG TAY BẢO VỆ CHÀ VÁ CHÂN XÁM | Tác giả: Lê Văn Hồng

    Trong thời gian qua được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp, các ngành của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng về việc tổ chức bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã Tam Mỹ Tây đã tổ chức 7 cuộc họp truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn Voọc, 4 cuộc họp tuyên truyền vận động các hộ trồng keo thay đổi hành vi canh tác bền vững hơn, 2 cuộc họp tuyên truyền vận động các thợ săn dừng săn bắt ở khu vực có Voọc, in ấn phát hành 10 áp phích, 2.000 tờ rơi phân phát cho người dân. Cụ thể, đã có 15 hộ ký cam kết khi khai thác chừa 3m keo tai tượng giáp ranh khu vực Chà vá chân xám đang sinh sống. Hiện nay cả nước đều biết đến loài linh trưởng quý hiếm này, chỉ cần bảo tồn được đàn voọc này thì cả giới chuyên gia linh trưởng sẽ đổ về đây nghiên cứu, rồi sẽ đưa nhiều dự án bảo tồn mà người dân sẽ là đối tượng chính được hưởng sau này.
  • HAN hoi phu nu tuyen truyen Ảnh: Trần Thị Thu Hà

    TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ VOỌC CHÀ VÁ CHÂN XÁM CỦA HỘI PHỤ NỮ | Tác giả: Trần Thị Thu Hà

    Nhằm tổ chức sinh hoạt kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, từ ngày 2 tháng 3 đến ngày 7 tháng 3 năm 2022 Hội LHPN xã Tam Mỹ Tây tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền nghị quyết và lồng ghép tuyên truyền bảo vệ Voọc Chà vá chân xám đang sinh sống tại 4 khu vực: Hòn Ông, Hòn Dồ, Hòn Dương Bông và Dương Bản Lầu đến với 800 chị em hội viên của 6 chi hội trên toàn xã. Đến tham dự buổi sinh hoạt có các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, các đồng chí đứng điểm của các thôn dự và tham gia phát biểu chỉ đạo. Qua buổi sinh hoạt các chị em hội viên hiểu và có ý thức bảo vệ đàn Voọc Chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây.
  • HAN canh quan thien nhien Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Yến

    CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN | Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Yến/THCS Lê Văn Tâm

    Đây là bức ảnh tôi chụp các em trong Câu lạc bộ Kiểm Lâm Nhí trong chuyến du thám thiên nhiên bảo vệ Vooc chà vá tại Hố Giang Thơm, Xã Tam Mỹ Tây Sở dĩ tôi chụp bức ảnh này là để lưu giữ hoạt động của nhóm. Và bức ảnh này sẽ được lưu trong phòng truyền thống của trường. Qua bức ảnh này tôi cũng muốn giới thiệu thêm một nơi du lịch lí tưởng, mới nhìn có vẻ nơi đây hoang sơ nhưng rất kì vỹ được thiên nhiên ban tặng. Và nơi đây được chọn làm nơi du lịch nghỉ mát, nhất là vào mùa hè, được tắm dưới dòng suối mát mẽ, có thác nước trắng, những tảng đá ghồ ghề, cây cối chim muôn..... Đi tham gia cùng các em và chụp được được một số hình ảnh tôi thấy các em rất thích thú các hoạt động trãi nghiệm, khám phá. Và qua đây tôi cũng thấy rằng các buổi giảng trên lớp, xem kênh hình ảnh ...các em không thích thú bằng hoạt động thực tế. Đặc biệt được ngắm cảnh thiên nhiên, đắm mình dưới dòng suối mát. Vì vậy để tổ chức thành công một hoạt động nào thì không thể thiếu hoạt động phám phá trải nghiệm.
  • HAN bua trua cua to tuan tra Ảnh: Nguyễn Cường

    BỮA TRƯA CỦA ANH EM TỔ TUẦN TRA | Tác giả: Nguyễn Cường/Nhóm tiên phong

    Đây là một bữa ăn trưa của anh em Tổ tuần tra thôn bản (thuộc Nhóm Tiên phong bảo tồn loài Chà vá chân xám) và cán bộ trung tâm GreenViet trong một chuyến tuần tra rừng. Trong bức hình là A Siu – cán bộ trung tâm GreenViet và tôi – thành viên Nhóm Tiên phong. Đã có ai từng thử cảm giác buổi trưa oi bức dừng chân cạnh con suối chảy róc rách. Hái vội nắm rau rừng ven bờ suối cùng với một gói mì tôm trong ba lô là đã có một nồi canh thơm ngon và đặc biệt sạch 100%. Môt gói cơm trắng cùng vài con cá kho mặn là anh em chúng tôi đã có một bữa trưa tràn đầy năng lượng cho một buổi chiều rồi. Chỉ thế đó nhưng anh em chúng tôi bao năm nay vẫn một năm cơm gói, vẫn chiếc ba lô nhỏ, vẫn tiếp tục đi tiếp chặng đường bảo vệ đàn con thơ giữa rừng già được bình yên. Vì chính sự bình yên của đàn Chà vá chân xám mà chúng tôi mới có nhiều niềm vui mỗi ngày như thế này.
  • HAN nep bau dung tam my Ảnh: Lê Văn Hồng

    MÔ HÌNH NẾP BẦU ĐƯNG TAM MỸ | Tác giả: Lê Văn Hồng/Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây

    Nếp bầu Đưng Tam Mỹ là một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất Núi Thành, được nhiều người ưa chuộng; sản xuất loại nếp bầu vốn đầu tư không lớn, lợi nhuận cao hơn nhiều so với sản xuất cây lúa. Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây đang tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng nếp bầu Đưng trên địa bàn xã. Đặc biệt qua thành công của mô hình sản xuất và nhân rộng kỹ thuật sản xuất nếp bầu truyền thống của Trung Tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành. Nhân vật chính trong ảnh là ông Trần Văn A, trưởng bộ phận khuyến nông khuyến lâm đang kiểm tra kết quả cuối vụ Hè Thu năm 2020 sản xuất nếp bầu tại đồng Bàu đưng thôn Trung Chánh, xã Tam Mỹ Tây, chúng tôi ghi nhận về kết quả thu hoạch đạt năng suất bình quân 4.400kg/ha và sẽ có những phân tích, đánh giá để có thể nhân rộng ra địa bàn. Qua đó góp phần khôi phục sản phẩm nếp bầu Đưng Tam Mỹ đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân trên địa bàn xã.
  • HAN dua chu culi di lac ve rung Ảnh: Huỳnh Công Phương

    ĐƯA CHÚ CULI ĐI LẠC VỀ RỪNG | Tác giả: Huỳnh Công Phương

    Ngày 16/12/2020 vừa qua, một chú Culi đã đi lạc xuống khu dân cư gần nhà văn hoá thôn Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Bà con ở đây khi thoáng nhìn qua cứ nghĩ Vọoc Chà vá chân xám do đó đã báo ngay cho tổ tuần tra thôn bản chúng tôi để tìm cách giải quyết. Sau đó, chúng tôi đã cùng với kiểm lâm địa bàn đưa chú culi này về khu vực rừng Hòn Dồ. Đây là lần đầu tiên bà con nhìn thấy một chú Culi giữa ban ngày nên mọi người tỏ ra rất thích thú.

Các nghiên cứu về di sản văn hóa

Bên cạnh xây dựng các câu chuyện về bảo tồn đa dạng sinh học, dự án cũng tập trung nghiên cứu về các di sản văn hóa ở Tam Mỹ Tây và các khu vực lân cận nhằm tìm kiếm những tiềm năng cho việc kết nối với du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây, đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn di sản văn hóa địa phương.

Báo cào tình trạng của Ngũ Hành Sơn


Các đối tác

HAN Partner Logo Tam My Tay© Viện Goethe Hà Nội