Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Công việc thư viện phù hợp với thời đại
Về con người, chứ không phải về truyền thông

Tương lai của thư viện
Tương lai của thư viện | © raumlaborberlin Thực hiện theo yêu cầu của các dự án văn hóa Berlin

Thư viện tạo nên tương lai. Tương lai của thư viện là không chắc chắn. Mở đầu loạt bài „Thư viện tương lai“ về thư viện của ngày mai.

Cũng chưa lâu, khi sách được coi là cánh cửa mở ra thế giới. Và hầu như ai muốn bước qua cánh cửa ấy cũng đều phải vào thư viện. Ở đây, kiến thức được thu thập, khai thác và trình bày để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng. Ngày nay, trong thời đại của Google, Wikipedia cùng hàng triệu những cuốn sách và tạp chí dưới dạng số hóa, dường như người ta chỉ còn cách tất cả những kiến thức trên thế giới vài cú click trên điện thoại, laptop hoặc sách điện tử. Vậy có còn cần thư viện nữa không? Hay thư viện và những thủ thư sẽ được đưa vào danh sách dài những dịch vụ và nghề nghiệp, mà người ta sẽ sớm tự nhủ là đang dần bị cuốn trôi bởi sức mạnh đột phá của số hóa? Cuộc tranh luận về vấn đề này đang diễn ra hết sức sôi nổi. Nó dao động giữa những ý kiến bi quan và lạc quan, và thoát ra khỏi những câu trả lời đơn giản. Những sự phát triển và thách thức đi cùng với cuộc tranh luận này quá khác nhau, quá phức tạp và phần nào mâu thuẫn với nhau.

Không cÓ Chỉ MỘT LOẠI thư viện

Thoạt nhìn thì tình hình các như viện ở Đức có vẻ không tệ: mặc dù những phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang có mặt ở khắp nơi, người Đức sử dụng cả thư viện trong các trường đại học lẫn các thư viện công cộng nhiều hơn bao giờ hết. Với 220 triệu lượt khách mỗi năm, thư viện thuộc số những cở sở văn hóa được ưa thích nhất trong cả nước – đứng trên cả viện bảo tàng, rạp chiếu phim và các sân vân động của giải vô địch bóng đá quốc gia Đức. Ngoài ra, khoảng 10.000 thư viện công cộng và khoa học ở Đức vẫn luôn rất đa dạng. Nếu những thư viện khoa học với số lượng khách khổng lồ chú trọng trước hết vào việc thu thập và xây dựng kiến thức, thì ở nhiều thư viện cộng đồng và thư viện thành phố, chất lượng của phòng đọc, chỗ ngồi và những cuộc gặp gỡ hay trao đổi được chú trọng hơn. Các trang bị cho chức năng của một điểm cho mượn sách trước kia đã nhường chỗ cho những chỗ ngồi thoải mái, nhiều nơi còn mở quán cà phê, tổ chức những buổi đọc sách và một chương trình các sự kiện giúp làm đa dạng thêm các dịch vụ của thư viện.

Mô hình cũ hay sự đổi mới?

Các nhà xã hội học đưa sự phục hưng của thư viện trở lại chức năng của nó như một „địa điểm thứ ba“ phi thương mai, bên cạnh sống và làm việc (Ray Oldenburg) – và trở lại nỗi khao khát một lần được giải phóng khỏi một thế giới toàn cầu hóa và hòa mạng. Đối với một số người, thư viện là một nơi để rút vào yên tĩnh, còn với người khác, chính thư viện mới giúp được họ tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng – không phụ thuộc vào thu nhập. Do tính chất phi thương mại và cởi mở với tất cả mọi người của mình, chính thư viện công cộng được coi là một nhân tố dân chủ. Lý thuyết là vậy. Thực tế chính trị và kinh tế mà nhiều thư viện phải đối mặt thường nói một ngôn ngữ khác, gắn với khủng hoảng. Việc này thậm chí còn không cần số hóa. Thực ra, thư viện bắt đầu trở nên trống rỗng dần dần từ trước khi Internet phát triển thành phương tiện truyền thông đại chúng. Mệnh lệnh đưa ra từ ngân sách công trống rỗng buộc thư viện phải tiết kiệm nhiều các khoản chi. Ngân sách dành cho các trang thiết bị mới bị thu hẹp, nhân lực bị cắt giảm, thời gian mở cửa phải rút ngắn lại. Việc các thư viện phải sát nhập và cả đóng cửa diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Và vì vậy, việc hàng loạt các thư viện mới được khai trương đình đám ở những thành phố lớn cũng không thể làm lu mờ tình trạng nhiều các thư viện anh em ở tỉnh lẻ đang chết dần chết mòn. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi hình thành nhận thức là thư viện đã đi qua thời hoàng kim của mình. Sự đổi mới hay mô hình cũ – ai có thể nhận ra sự khác biệt kia chứ?

chuyển động và gìn giữ

Trong khi đó, những yêu cầu được đặt ra cho thư viện không hề giảm, nhiệm vụ trở nên nhiều và đa dạng hơn. Ngoài sách ra, những phương tiện truyền thông điện tử, âm nhạc, trò chơi và phim đã được cho mượn ở thư viện từ lâu. Nhưng từ khi mọi thứ từ khắp nơi và mọi lúc đều có sẵn trên mạng, các thư viện không còn lý giải được sự tồn tại của mình chỉ bằng cách cung cấp thông tin. Việc hướng dẫn cho mọi người không phân biệt lứa tuổi và địa vị xã hội cách xử lý một cách chất lượng cơn lũ thông tin họ nhận được đang dần trở nên quan trọng hơn. Thư viện thực ra phù hợp với yêu cầu này. Nhưng thư viện cần nguồn lực vật chất và kinh tế phù hợp, và không kém phần quan trọng là việc tự nhìn nhận bản thân theo một cách mới. Thay cho những chức năng cổ điển như kiểm kê bộ sưu tập trong thư viện, thì công tác làm việc trực tiếp với người sử dụng thư viện đã trở thành trọng tâm. „Libraries are about people, not stuff“ (thư viện là về con người, không phải về đồ vật), chuyên gia thư viện người Mỹ Rebekkah Smith Aldrich nói. Trọng tâm là con người, chứ không phải truyền thông. Trên thực tế, việc tự nhìn nhận bản thân đối với một số đại diện của hiệp hội là một sự thay đổi tư duy. Những người hoài nghi lo sợ rằng sự thay đổi dù cần thiết cũng sẽ làm mất đi chút ít, ví dụ như sự quan tâm dành cho sách in. Người ta đã lên tiếng chỉ trích tính „sự kiện hóa“, tính bất kỳ, chung chung.

Đối với một môi trường đang thay đổi chóng mặt, việc phát triển chiến lược hợp thời về mặt địa điểm, truyền thông và sư phạm mà không phá bỏ thành quả cốt lõi của chúng là một nhiệm vụ không hề dễ dành đối với thư viện. Kho lưu trữ kiến thức và di sản văn hóa, cơ sở đào tạo, giáo dục và nơi giao lưu gặp gỡ, không gian vật lý và ý tưởng – các thư viện đã và đang luôn đóng nhiều vai trò, nhưng tùy thuộc vào mục đích và đối tượng phục vụ, các thư viện là rất khác nhau. Trên hết, thư viện luôn có những bất ngờ. Đó là những gì Michael Knoche, giám đốc thư viện Nữ công tước Anna Amalia tại Weimar đến năm 2016, đã viết trong cuốn sách „Ý tưởng của thư viện và tương lai của nó“ được xuất bản năm 2017. Ý của ông là tại đây, người sử dụng thư viện cũng gặp phải những nội dung và chủ đề mà họ không hề tìm kiếm. Và điều đó „vượt ra khỏi những thuật toán tìm kiếm ứng dụng và những đường mòn của tri thức“, như những thứ Internet đem đến cho chúng ta. Người ta hoàn toàn có thể mô tả thư viện như những công cụ tìm kiếm của thời đại trước khi Google xuất hiện, nhưng thư viện đã luôn là nhiều hơn thế, không chỉ là những công cụ.

thư viện tạo nên tương lai

Trong cái nhìn về một thế giới đang thay đổi cùng lượng kiến thức tăng theo cấp số nhân hiện nay, các chuyên gia cho rằng thư viện đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự gắn kết của xã hội và khả năng tìm ra câu trả lời cho những thách thức mới. Như vậy có thể nói: Nếu không có thư viện, người ta buộc phải tự phát minh ra nó. Tuy nhiên, thư viện đó có lẽ khác với nơi làm việc được trao cho thế hệ thủ thư thời nay. Vậy cách trình bày, cấu trúc và thiết kế của thư viện phải thay đổi thế nào, khi giờ đây, không phải kho tàng kiến thức mà là người sử dụng đứng ở vị trí trung tâm? Và sự đóng góp hợp thời cho sự tham gia dân chủ và năng lực truyền thông sẽ như thế nào trong thời kỳ của bất bình đẳng gia tăng, của tin tức giả và thao túng bằng kỹ thuật số? Thư viện có thể làm gì để thu hút những bộ phân dân cư có trình độ giáo dục thấp đến với những dịch vụ của mình? Và những thủ thư sẽ đóng vai trò thế nào trong tương lai?

Câu hỏi về những câu hỏi. Cùng với nhau, chúng tạo nên bức tranh về một ngành và một thứ hàng hóa công cộng đang thay đổi. Không có một câu trả lời đơn giản hay công thức nào để thư viện có thể đáp ứng tất cả những kỳ vọng đặt ra cho mình trong tương lai. Vì vậy, tương lai của thư viện sẽ được quyết định, một mặt dựa trên việc, liệu mỗi cơ sở riêng rẽ có thành công không, trong khi vừa tiếp tục hoạt động, vừa thể hiện được vai trò mới của mình trong xã hội. Mặt khác, là câu hỏi về giá trị xã hội của thư viện đối với chúng ta.
Kể từ khi thành lập vào năm 2009, Next Library® Conference đã trở thành một trong những hội nghị quan trọng nhất đối với tương lai của thư viện công cộng. Lần đầu tiên vào tháng chín năm 2018, hội nghị được tổ chức ở Berlin. Nhân dịp này, trong những tuần lễ tới và trong một loạt bài, Viện Goethe sẽ ghi lại những thách thức, xu hướng và ví dụ thành công xoay quanh tương lại của thư viện.

    Chức năng bình luận đã bị khóa.
  • Bình luận