Antigone - Các bài luận trên Zzz Review
Vở kịch Antigone được Sophocles viết vào thời Hy Lạp cổ đại cách đây khoảng 2462 năm. Đây có vẻ như là một khoảng thời gian rất dài. Nhưng thật ngạc nhiên là nhiều khía cạnh của vở kịch này vẫn còn đáng để người ta suy ngẫm ngay cả trong xã hội Việt Nam đương đại.
Von Viện Goethe và Zzz Review
Chẳng hạn có những sự tương đồng giữa Antigone với những nữ anh hùng trong lịch sử cũng như sự tương đồng của vở Antigone với Truyện Kiều. Ở trung tâm của cả hai tác phẩm là hình tượng nhân vật nữ mạnh mẽ, đứng ra gánh vác lấy việc mà nàng cho rằng cần phải làm ở thời điểm khủng hoảng, cùng với những quan niệm về tôn giáo, số phận, cũng như những suy tư về chuyện thế nào là một cuộc đời đúng đắn trong lẽ công bằng và phẩm giá.
Chính vì vậy, đọc lại Antigone trong bối cảnh ngày nay, độc giả có thể bị thách thức bởi một loạt câu hỏi: Từ lịch sử văn hóa Việt Nam có những nhân vật sự tích nào tương tự với Antigone? Vai trò và hình ảnh của người phụ nữ được truyền tải trong Antigone như thế nào? Antigone khác với Truyện Kiều ở điểm nào? Tại sao Antigone lại phải chết? Những chủ đề khác nào ẩn trong tác phẩm văn chương thế giới này có thể được giải mã trong bối cảnh hiện tại?
Trên đây là những câu hỏi thôi thúc các đạo diễn sân khấu tìm tòi những cách thức mới trình hiện Antigone trên sân khấu. Các câu hỏi này cung cấp bối cảnh cho những bài tiểu luận này, những bài viết được phát triển từ hội thảo Antigone diễn ra tại Viện Goethe ở Hà Nội trong hai ngày 23 và 24 tháng 4 năm 2020 do Viện Goethe và Zzz Review đồng tổ chức.
Những bài luận là nỗ lực của những người viết để ngắm nhìn và soi rọi viên ngọc quý này của văn chương châu Âu cũng như văn chương Thế giới từ các góc tiếp cận khả dĩ và đa dạng: luật pháp, lịch sử, chính trị, văn chương, nữ quyền… nhằm mục đích đào sâu thêm những lớp nghĩa tiềm tàng trong việc diễn giải vở kịch Antigone cho sân khấu Việt Nam, và để gắn kết Antigone với những vấn đề rất quan yếu đối với đời sống và môi trường xã hội của mình: tình thân trong đối lập với sự tuân phục luật pháp, sự độc lập của cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước, quyền lực và sự lạm dụng quyền lực, sự công chính và ý nghĩa của tồn tại bản thể.