Biên đạo múa
Phỏng vấn Trần Ly Ly
Là một khán giả, bà có cảm nhận thế nào về buổi biểu diễn ngày hôm nay?
Trần Ly Ly: Tôi rất hài lòng với kết quả của trại hè và buổi biểu diễn tổng kết chúng ta vừa xem. Chẳng hạn trong vở cuối, có buổi tập các bạn ấy đã làm tốt hơn thế rất nhiều, tạo ra được nhiều không gian cho trí tưởng tượng của khán giả để người xem tập trung một cách tự nhiên chứ không phải cố tình vào một tác phẩm, ngôn ngữ cần đa chiều. Làm được điều đó hoàn toàn không phải điều đơn giản.
Trong các buổi tập có rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Nhưng đã gọi là các khoảnh khắc thì gần như nó sẽ không lặp lại. Để lặp lại được chúng và tạo được một cái gì đó tương đối vững chãi để có thể đem ra biểu diễn thì quá trình từ hào hứng đến chán nản rồi lại hào hứng, lại chán nản, giống như đồ thị hình sin, được lặp đi lặp lại rất nhiều lần cho đến khi các nghệ sĩ tìm lại được cảm xúc ban đầu theo một cấu trúc mà mọi người cho là hợp lý. Đó là một trải nghiệm lớn và là một quá trình rất là thú vị.
Dự án này đã được hình thành như thế nào?
Trần Ly Ly: Theo đuổi sân khấu đương đại là một con đường đầy khó khăn và không phải nghệ sĩ nào cũng có đủ khả năng cũng như đam mê để theo đuổi. Tôi và Viện Goethe cùng chung ý tưởng và thảo luận, và đều hướng tới làm một cái gì khác biệt. Tôi đã tham gia nhiều lần tổ chức Liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu rồi. Năm nay không tiếp tục với Liên hoan nữa vì, như mọi trào lưu khác, nó cũng đến lúc quá quen thuộc và phải có cái gì đó khác và mới lạ để đại diện cho các nhân tố mới.
Đây là dự án đầu tiên mình nghĩ về việc phải làm một cái gì đấy để các nghệ sĩ trực tiếp tham gia được cho thêm một không gian sáng tạo. Với đa phần mọi người, làm việc với Heiner Goebbels nói riêng là một hướng tiếp cận rất mới. Hơn nữa, ở Việt Nam hầu như không có được một sân chơi và một cơ hội tương tự. Có thể các bạn nhạc sĩ đã chơi với nhau thành một nhóm, múa chơi với nhau thành một nhóm, nhưng nhạc với múa cùng trẻ như nhau và cùng chung một dòng suy nghĩ thì đây là lần đầu tiên các bạn có cơ hội để trải nghiệm. Để đạt được một chương trình, bảo vệ nó qua bao nhiêu bộ phận, xét duyệt để có được kinh phí thì đó là một chuyện rất phức tạp.
Bà có kế hoạch phát triển nào cho workshop này trong tương lai?
Trần Ly Ly: Sau workshop này mỗi một tháng VNOB sẽ tài trợ cho các nghệ sĩ một không gian để họ có thể đến gặp gỡ trao đổi ý tưởng và tự chơi với nhau. Bên cạnh đó sẽ có những chuyên gia và bạn bè trong giới sẽ đưa ra những cảm nhận, cảm xúc, góp ý để tác phẩm được hoàn thiện hơn. Những nghệ sĩ có tiềm năng tham gia workshop này sẽ được tiếp tục theo dõi và đầu tư phát triển các tác phẩm tốt để tham dự các liên hoan múa thế giới.
Trở lại |