Truyện Kiều được coi như kiệt tác quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Để bày tỏ sự cảm kích tới bản chuyển ngữ và sự tôn kính với nguyên bản và đại thi hào Nguyễn Du, Viện Goethe Hà Nội tổ chức hội thảo Đọc lại Truyện Kiều.
Hôi thảo này tiếp cận tác phẩm từ hai góc độ khác nhau: trước hết, sự trân trọng ngữ văn cho tác phẩm dựa trên cách đọc truyền thống, thứ hai; một phản tư về tình trạng đương đại của người phụ nữ. Trong những thảo luận, chúng tôi hy vọng sẽ giải phóng văn bản khỏi sự sùng kính thiêng liêng mà tác phẩm thường được tiếp cận và để khám phá lại những diễn giải đương đại. Chúng tôi mời một nhóm chuyên gia và những người hiểu biết trong lĩnh vực gồm 8 người chia sẻ về truyền thống văn học cũng như vai trò của phụ nữ và hình ảnh của phụ nữ trong xã hội ngày nay. Các bài tiểu luận của các tác giả đã được đăng trên trang ZZZREVIEW.
Trần Đình Sử giáo sư, tiến sĩ lí luận văn học, Nhà giáo Nhân dân, giảng viên Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học khác ở Việt Nam. Ông là một trong những nhà lí luận văn học hàng đầu của Việt Nam và có nhiều đóng góp trong việc làm thay đổi diện mạo nền lí luận, phê bình văn học của Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Đóng góp lớn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của ông tập trung vào hai lĩnh vực chính là lí thuyết và nghiên cứu văn học Việt Nam.Trong đó ở mảng lí thuyết, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thi pháp học và tự sự học. Một số công trình nghiên cứu đã xuất bản: Thời gian nghệ thuật trong “Truyện Kiều” và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Du (1981), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1982), Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Một số vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam (1998), Thi pháp Truyện Kiều (2002).
Đặng Hoàng Ngân nhà tâm lý, giảng viên tâm lý học chuyên ngành lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô nghiên cứu và xuất bản các bài báo khoa học về những chủ đề: cảm nhận kiểm soát, cảm nhận hạnh phúc, Phật giáo trong sự giao thoa với khoa học tâm lý. Cô hợp tác với các chương trình về phát triển tâm lý trong y tế, giảng dạy tại Việt Nam do các tổ chức ADEPASE (Pháp), Santé Sans Frontière (Pháp), WBI (Bỉ) khởi xướng. Bên cạnh đó, cô hứng thú với việc thực hiện các bài viết phân tích về những tình huống xã hội thường ngày và về một số sản phẩm điện ảnh, văn chương dưới góc độ tâm lý học.
Hoàng Minh Phúc tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Đồ Họa tại Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2003 và Tiến sĩ Nghệ thuật học tại Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Quốc Gia năm 2012. Hoàng Minh Phúc hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM và thực hành sáng tác tranh khắc gỗ. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng về nghệ thuật và nghiên cứu trong nước. Một số công trình nghiên cứu đã xuất bản: Đô Thị Việt Nam từ những Mảnh Ghép Đa Chiều (NXB Thế giới, 2019) (đồng tác giả), Nghiên cứu mỹ thuật 2017-2018, Đồ Họa In Khắc Gỗ Hiện Đại Việt Nam (NXB Thế Giới, 2015) và nhiều bài báo nghiên cứu khoa học khác.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng là nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học Việt Nam, nguyên là hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Lịch sử Đại học Paris I, Pháp (1972); tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Paris VII, Pháp (1994), Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh Doanh UBI (2003) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Lyon 2, Pháp (2008). Trong vai trò nghiên cứu khoa học, từ năm 1975 đến 1992, các công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam; từ 1992 đến nay, nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Đề tài luận án tiến sĩ của bà là: "Việt Nam 1920 - 1945, giới và hiện đại: sự trỗi dậy những nhận thức và trải nghiệm mới."
Nguyễn Khắc Bảo, Phó chủ tịch hội Kiều Học Việt Nam, Ủy viên thường vụ BCH Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Bắc Ninh, Hội Viên Hội Đông Y Việt Nam, Hội Viên Hội Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Báo Việt Nam. Đến nay ông đã kì công sưu tập được 68 bản Kiều Nôm cổ, trong đó có 17 bản chép tay, còn lại 51 bản khắc in các lần khác nhau. Sau hai mươi năm bền bì khảo cứu Truyện Kiều, ông đã sửa 918 chữ ở 701 câu so với bản Kiều phổ biến nhất hiện nay của Đào Duy Anh (1979) và đề xuất một bản Kiều gần với nguyên tác nhất. Những kiến giải của ông đã được Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản thành sách vào tháng 8 năm 2009.
Vũ Đức Liêm, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; hiện đang hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Hamburg (CHLB Đức), học bổng của Quỹ Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD); giai đoạn 2010-2012, nhận học bổng của Quỹ Rockefeller cho chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), và thực tập sinh sau đại học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Lĩnh vực nghiên cứu chính: Lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á sơ kì hiện đại, với các công trình được xuất bản trên tạp chí và sách biên tập như tạp chí Cross-Currents (Đại học California, Berkeley), và nhà xuất bản NIAS (Đan Mạch), BpB (CHLB Đức), và Manchester University Press (sắp in).
Ngô Thị Thanh sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Hoạt động chính mà cô theo đuổi dài lâu là viết lách, làm phim, nói năng về/cùng/với văn chương, nghệ thuật, điện ảnh. Hiện nay cô thực hành viết phê bình, giám tuyển cũng như làm phim độc lập. Mối quan tâm chính chủ yếu xoay quanh bình đẳng, thẩm mỹ, chính trị.
Đinh Thị Nhung đã tham gia vào chuỗi dự án “không thẳng” trong một thời gian dài ở Miến Điện, Serbia, Cambodia, Nga và Việt Nam từ năm 2014 đến đầu năm 2017. Tại Hà Nội, cô là một trong những trưởng giám tuyển và người tổ chức của triển lãm “Những ngăn tủ” về cuộc sống của những cộng đồng đồng tính Việt Nam. Cô là người sáng lập và giám tuyển của dự án Bàn Lộn – Vagina Talks – một dự án nghệ thuật và giáo dục cộng đồng. Nhung đồng tổ chức Festival Mãi Mãi Queer (QFF) 2013, QFF 2015 và chuỗi Chợ Queer tổ chức hàng tháng tại Nhà Sàn Collective từ tháng 3 đến tháng 6, năm 2017. Triển lãm gần nhất của Nhung mang tên “Lip Xinh” trong QFF 2017 tại Nhà Sàn Collective và Khách sạn Nấp ở TPHMC vào tháng 4 năm 2018. Hiện tại Nhung tập trung vào dự án phim cá nhân của cô liên quan đến kí ức, giới, bệnh tật, mất mát và một dự án nhiếp ảnh về những người đàn ông Việt khoả thân trong tự nhiên ở Bãi giữa Sông Hồng, Hà Nội.