Delhi
Urvashi Butalia, viết sách và chủ xuất bản
Von Urvashi Butalia
Ngoài ra còn vô số thông tin về căn bệnh này được phát tán. Hằng ngày con số người bệnh, các cuộc tranh luận về máy thở, tuổi trung bình của bệnh nhân v.v. được cập nhật. Và bên cạnh một điều có thật là còn biết quá ít về nó, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều tin tức sai lệch và nhiều sự thật bị khỏa lấp. Với những thể chế toàn trị hay thậm chí đối với những thể chế tự khoe là dân chủ thì đây là cơ hội lý tưởng để giấu nhẹm quy mô thực tế của vấn đề, như Trung Quốc đã từng làm vào thời kỳ đầu và Hoa Kỳ mới những ngày gần đây. Có những tin tức phi lý được lan truyền, ví dụ như ở Ấn Độ trước đây một tuần người ta kể là các dao động âm thanh trong một số thời đoạn nhất định của chu kỳ trăng có thể làm lành bệnh, hoặc thậm chí khuyên uống nước đái bò. Hay bệnh ấy chỉ do người nước ngoài đem vào nước mình chứ không thể lan rộng tại địa phương được. Ban đầu ở Ý người ta đổ hết tội cho người Trung Quốc. Ở Ấn Độ chuyện ấy thể hiện ở dạng khác: người Ấn Độ chúc mừng nhau rằng đó là bệnh “của nước ngoài“ chứ không phải bệnh “của Ấn Độ“. Bên cạnh các tác động vào cơ thể người, bệnh này còn liên quan đến nhiều hệ quả chính trị sâu nặng ở những lĩnh vực khác, ví dụ ở sự củng cố giá trị tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong một thế giới được toàn cầu hoá mạnh mẽ.
Ngoài ra, lại một lần nữa sự khác biệt giữa các giai tầng ở Ấn Độ được thể hiện rõ rệt hơn. Trong khi tôi viết những dòng này, hàng trăm ngàn người làm công trong lĩnh vực phi chính thống (là những người mà chúng ta ở tầng lớp trung lưu và giàu có đều phụ thuộc vào họ trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống – bất kể là thợ xây dựng, thợ thủ công, giao hàng, sửa điện thoại, rửa ô tô và nhiều hơn nữa) chen nhau ra khỏi Delhi, thành phố quê hương tôi, để quay về làng mình. Ở thành phố họ không tìm ra việc làm nữa, vì tất cả đã đóng cửa. Chủ nhà đẩy người thuê nhà ra đường, chủ lao động chuồn mất tiêu, nói cho cùng là chẳng ai quan tâm đến họ cả. Họ không có cơm ăn nước uống, phải trần trụi đối mặt với mọi nguy hiểm, vì sự giãn cách xã hội hay thậm chí việc đeo khẩu trang không phải là sự lựa chọn đối với họ. Cấm ra khỏi nhà là một sự xa xỉ mà chỉ người giàu mới có được. Người nghèo đứng trước một con số 0 to tướng. Tôi vẫn luôn luôn tự đặt cho mình câu hỏi: chẳng lẽ không có giải pháp nào nhân đạo hơn ư? Chẳng lẽ trước đó nhà nước không ý thức được rằng chính chuyện này sẽ xảy ra? Hay những kẻ có trách nhiệm không cần biết? Chắc chắn không quá khó tổ chức các chuyến xe buýt cho họ đi lại hoặc cung cấp cho họ thực phẩm cùng với một mái che. Trong cuộc khủng hoảng này rõ ràng cuộc sống con người phải được ưu tiên trước hết. Nhưng trong ngữ cảnh của chúng ta thì chúng ta phải tự hỏi thêm một câu nữa: ở đây ưu tiên cho cuộc sống nào, cuộc sống của người nào?
Còn nhiều câu hỏi nữa lẽ ra đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Ví dụ: tình trạng đóng cửa hoạt động kinh tế sẽ đưa đến hệ quả tiêu cực đối với người nghèo, và khủng hoảng này xét về dài hạn cũng sẽ tác động đến tình cảnh của phụ nữ. Những tường thuật từ Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia ngay từ bây giờ đã cho thấy số vụ bạo hành gia đình gia tăng song song với sự tiến triển của cảm giác căng thẳng và sợ hãi. Số đường dây nóng hỗ trợ xung đột giảm đi vì còn để dành tài nguyên cho các vấn đề cấp thiết hơn. Bản thân những phụ nữ muốn trình báo về các vấn đề khẩn cấp cũng không dễ thực hiện được điều đó. Đối với những người phụ nữ có công việc và nay bị bắt buộc ở nhà thì áp lực công việc hiện nay tăng gấp đôi, vì sự phân chia công việc lại quay về hình mẫu xa xưa, tức là phụ nữ phải lo công việc nội trợ. Cực kỳ ít thống kê trên quy mô toàn cầu về tình cảnh người lao động nữ. Tình cảnh của họ sẽ phát triển ra sao? Do cấm đi lại nên họ không thể về nhà được nữa. Mất nguồn thu nhập thì cũng không thể gửi tiền về nhà. Ta biết 95% các hộ lý toàn thế giới là phụ nữ. Họ là người ở tuyến đầu và tiếp xúc trực tiếp với nguy hiểm mà không được bảo vệ. Nhưng trong khi tất cả các quốc gia nỗ lực tổ chức trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân thì không ai trong chúng ta đặt câu hỏi, lực lượng điều dưỡng viên sẽ ra sao. Và nếu khẩu trang, đồ bảo hộ quan trọng đến thế, thì băng vệ sinh cũng rất quan trọng đối với nữ điều dưỡng viên chứ! Họ mua băng vệ sinh ở đâu, khi siêu thị đóng cửa? Và sao các gói cứu trợ không bao giờ có băng vệ sinh? Các cơ sở công nghiệp đóng cửa, nghĩa là nơi sản xuất băng vệ sinh cũng ngừng hoạt động. Điều đó có ý nghĩa gì đối với phụ nữ?
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tự hỏi câu đó, vì hôm nay chúng ta biết nhiều hơn về các bệnh truyền nhiễm so với trong quá khứ. Chúng ta biết nhiều hơn về sự giằng chéo giữa bệnh tật và hệ thống kinh tế, chính phủ và tự do ngôn luận. Chưa khi nào trước đây tự do ngôn luận có trọng lượng như bây giờ. Ở những thời kỳ như hôm nay, không cái gì được phép giấu nhẹm đi. Chúng ta cần sự minh bạch và khả năng phê phán, và chúng ta phải học hỏi lẫn nhau. Tất nhiên các chính phủ có trao đổi bàn bạc và liên kết với nhau. Nhưng các liên kết ấy chỉ được thiết lập một cách rón rén ngập ngừng. Người ta vẫn chân trong các cấu trúc quyền lực cũ. Đối với những người có thẩm quyền quyết định của chúng ta, vốn vẫn được coi là mang phong cách cai trị độc đoán, thì đây là cơ hội lý tưởng để củng cố quyền lực, tiếp tục gia tăng giám sát và làm cho dân chúng phải tuân lời. Vì sao các lãnh đạo chính trị của chúng ta không tranh luận công khai về các mô hình khác nhau đang được thực thi ở từng quốc gia riêng lẻ, rồi so sánh – ví dụ so sánh cách người Nhật tiến hành với người Anh, người Ấn Độ? Chúng ta không thể học hỏi từ người khác sao?
Nhiều người hỏi, liệu tinh thần đoàn kết toàn cầu sẽ có cấu trúc mới. Tôi không chắc. Tất nhiên tôi hy vọng thế, nhưng thú thực là tôi không tin lắm. Một sự việc khó hình dung: hôm nay tất cả các biên giới bị đóng, và sáng mai tự dưng mở lại! Chẳng phải tất cả chúng ta đều ngồi chung con thuyền, bất kể giàu hay nghèo, da đen hay da trắng? Như một bạn gái Ý của tôi từng diễn tả: “Đây là lần đầu tiên thế hệ người Ý da trắng của tôi có thể hình dung ra, dù chỉ gần đúng, cảm giác thế nào là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc“. Cũng có thể sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về các giai cấp cũng như các hình thức phân biệt khác nhau. Thêm nữa, thời gian này sẽ có thể giúp chúng ta, nhất là tầng lớp trung lưu và những người giàu có, nghĩ lại về cách tiêu thụ vô tri và không cần thiết, sống thuận với thiên nhiên hơn, có ý thức hơn về những ưu tiên mình đang có. Tuy nhiên tôi nghi là các lực lượng lãnh đạo chính trị của chúng ta sẽ chẳng bao giờ gạt tham vọng chính trị của họ qua một bên để ít nhất trong dịp này đưa con người vào vị trí trung tâm! Họ đã không làm việc đó trong tất cả những năm tháng cai trị phè phỡn, cớ gì hôm nay họ phải bắt đầu?
Sự đảo chiều tư duy như vậy trên bình diện giữa con người với nhau, thông qua tái liên kết với thiên nhiên và thế cân bằng mới trong cuộc sống của chúng ta – chỉ diễn ra trong chừng mực hạn chế, theo cách đánh giá của tôi, và nếu tôi sai thì xin lời dạy bảo. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ từng bước lui về các hình mẫu xử sự ngày xưa. Thêm vào đó là các điều kiện và hoàn cảnh sẽ tệ đi, vì các quyết định về chính sách ban ra trong thời khủng hoảng chắc chắn sẽ nhuốm màu sang các quyết định về chính sách thường ngày. Đối với các chính thể độc tài thì đây là thời điểm vàng để thuần hoá đám tôi đòi và giáo dục chúng theo hướng tinh thần bầy đàn vốn dĩ coi việc truy hỏi là phạm tội và vâng lời là mục tiêu cao nhất. Tôi nhớ là các nhà hàng xóm cứ hỏi tôi tại sao không khua nồi gõ chảo để “xua đuổi virus“ vào ngày tự nguyện cấm ra khỏi nhà như thủ tướng gợi ý. Chọn câu chữ thông minh thế cơ chứ: “tự nguyện“ đi liền với “cấm ra khỏi nhà“.
Liệu có xuất hiện sự biến đổi ý thức hệ trong công nghiệp? Cả câu hỏi này cũng không dễ trả lời. Nếu ta đánh giá qua những hành vi đã diễn ra cho đến nay thì khả năng (biến đổi ý thức hệ trong công nghiệp) là rất thấp. Người ta chưa hề công khai tỏ ý gì, mặc dù thời điểm hiện tại đang đưa đến một cơ hội tốt hơn lúc nào hết. Và một khi khủng hoảng đã qua rồi thì lại càng không xảy ra khả năng đó.
Nhưng có một điều mà tôi biết chắc: các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó, như doanh nghiệp của chúng tôi – một nhà xuất bản độc lập – sẽ không qua nổi. Và một điều nữa là, cho dù chúng tôi chỉ là một chấm nhỏ ở đường chân trời doanh số, thì sự mất đi những tiếng nói như tiếng nói của chúng tôi cũng liên quan đến sự mất đi một dây thần kinh trung ương duy trì sự sống của xã hội chúng ta và của thế giới chúng ta. Tiếng nói của những người thấp bé, những người bị đè nén, tiếng nói vẫn thường đem lại cho tự sự chủ đạo một hệ ý thức và từ từ thẩm thấu, xâm nhập nó. Một thế giới chỉ để một tự sự làm chủ đạo sẽ không là một thế giới đáng sống.