Praha
Petra Hůlová, Autorin

Von Petra Hůlová

Petra Hůlová © © Petra Hůlová Petra Hůlová © Petra Hůlová

TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN BÀ VÀ ĐẤT NƯỚC BÀ?

Ở Séc hoàn cảnh hiện tại có thể lấy cái khẩu trang ra làm biểu tượng. Tình trạng thiếu hàng ban đầu chỉ ra sự kém cỏi của nhà nước Séc. Chỉ thị phải đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng là một biện pháp cần thiết để khép người dân Séc vào kỷ luật, và hành vi đeo khẩu trang biểu thị sự vâng lời của họ. Người ta hì hục tự may khẩu trang ở nhà, chứng tỏ người Séc rất ham mê làm thủ công và tìm tòi, có tinh thần phát minh và tinh thần đoàn kết. Máy thở từ máy in 3D sắp ra đời sẽ là biểu tượng cho cách tân công nghệ và sự hỗ trợ tương thân tương ái đi liền với đầu óc kinh doanh.

ĐẠI DỊCH SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI RA SAO? BÀ NHẬN THẤY HỆ QUẢ DÀI HẠN NÀO CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG?

Triết gia Václav Bělohradský người Séc đã có lần định nghĩa khủng hoảng là một hoàn cảnh khiến người ta chọn giữa một thảm hoạ và một phương án khác. Cách miêu tả đó thật chính xác đối với cuộc khủng hoảng hiện tại – ít nhất là đúng với tôi, do vậy tôi tiếp nhận nó như một cơ hội để biến đổi. Những gì đang xảy ra với tất cả chúng ta sẽ mở rộng biên giới trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta vẫn luôn được nghe kể rằng chúng ta sống trong một hệ thống bất khả biến và cũng không có lựa chọn khác. Giờ thì ta thấy cuộc sống xã hội trong vòng vài ngày đã có thể bị biến đổi tận gốc ra sao. Nhận thức này tự nó rất quý báu.

Sự tuân thủ kỷ luật và vâng lời của mọi người khiến tôi bất ngờ. Tôi đánh giá kỷ luật tự giác và tinh thần sẵn sàng tự hạn chế là tích cực. Nhưng tôi có cảm nhận tiêu cực đối với cách xử sự ngoan ngoãn không được coi là vấn đề. Chúng ta đã tự thấy mình là một xã hội có tính cá nhân chủ nghĩa cao độ, trong xã hội ấy vai trò của nhà nước ngày càng giảm đi. Đại dịch này đã lật ngược mối tương quan đó. Vai trò của nhà nước mạnh lên, và nhà nước sẽ tiếp tục hành xử một cách tự tin. Mọi người hành xử theo tinh thần đoàn kết, tuy nhiên với điều kiện là tuyệt đối không “động chạm“ đến ai.

CÁI GÌ KHIẾN BÀ HY VỌNG?

Hy vọng của tôi hướng đến sự biến chuyển. Nhiều nguyên nhân của tình trạng hiện tại, theo tôi, đã có từ trong quá khứ, do đó không nên đặt vấn đề nỗ lực tái tạo thuần tuý các điều kiện hữu hiệu từng tồn tại trước khi có dịch. Coronavirus nằm trong mối liên quan đến biến đổi khí hậu và chủ nghĩa tư bản, đó là cách cá nhân tôi xét đến một khía cạnh là virus này tượng trưng cho thiên nhiên ốm yếu và xã hội ốm yếu. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ học được bài học từ các sự cố đã diễn ra. Coronavirus là một mô hình mô phỏng, nó chỉ cho ta cách nhìn mới thế giới và chính ta.

Nếu tất cả những sự cố ấy không làm chúng ta yếu đi thì chúng làm ta mạnh lên. Và nếu chúng thoạt tiên càng làm ta yếu đi thì sau đó càng làm ta mạnh hơn. Tôi hy vọng Coronovirus và các hệ quả (kinh tế) của nó sẽ làm chúng ta thật đau đớn và nhắc chúng ta đừng quên điều đó đi trong một thời gian dài. Nếu không thì chúng ta sẽ nhanh quên tất cả, chẳng đọng lại gì trong ký ức. Cuối cùng thì tôi sợ nhất là mọi thứ sẽ lại như trong quá khứ, giống như sau khủng hoảng tài chính 2008 vậy. Cái “thế giới bình thường“ biến mất trong đại dịch lúc này nhanh bao nhiêu thì cũng có thể sau khi hết đại dịch ký ức của chúng ta về nó cũng biến mất nhanh như vậy. Chỉ còn gì đó trong thâm tâm chúng ta đọng lại mong manh và chấn động. “Sự kiện lớn“ sắp tới sẽ là gì? Hạn hán?

BÀ CÓ CHIẾN THUẬT CÁ NHÂN NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ?

Tình cảnh hiện tại biến đổi liên tục, đó là hệ quả của cách đưa tin trên các kênh truyền thông và cả sự dao động tâm lý dưới ảnh hưởng của chính đại dịch này. Tôi cố gắng chấp nhận sự hoang mang đó như một trạng thái sẽ kéo dài lâu lâu. Nếu làm được điều đó thì tôi cảm thấy ổn nhất. Nếu không được, tôi lao vào công việc hoặc bỏ sức chăm sóc con cái thật nhiều, đó là sự cứu rỗi hữu hiệu nhất.