Năng lực truyền thông đối diện với sự thao túng
Thư viện có thể làm gì để chống lại tin tức giả?

Tương lai của thư viện
Tương lai của thư viện | © raumlaborberlin Thực hiện theo yêu cầu của các dự án văn hóa ,Berlin

Các nhà phê bình cho rằng, thư viện chưa được trang bị đầy đủ cho cuộc chiến chống lại tin tức giả. Có lẽ thư viện thực sự đã được ca ngợi quá sớm như những pháo đài vững chắc. Tuy vậy, trong phạm vi mạng lưới của mình, thư viện hoàn toàn có thể chống lại những tin tức bị thao túng.

Von Samira Lazarovic

Đây là tấm áp phích „How to spot Fake News“ (Cách phát hiện tin tức giả). Được phát hành bởi IFLA, Liên đoàn các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện Quốc tế, đã được dịch sang gần 40 thứ tiếng và thường được trích dẫn làm ví dụ cho năng lực truyền thông mới của thư viện. Và là sản phẩm đạo nhái. Ít nhất đó là suy nghĩ của nhà khoa học thư viện M. Connor Sullivan.

Tháng 3 năm 2018, với bài tiểu luận có tiêu đề „Why Librarians can’t fight Fake News” (Tại sao các thủ thư không thể chống lại được tin tức giả) được đăng trên „Journal of Librarianship and Information Science” (Tạp chí thự viện và khoa học thông tin), Sullivan đã phản bác lại niềm hy vọng của những năm trước cho rằng nhân viên thư viện có thể làm được đúng như vậy. Đối với Sullivan, vấn đề ở đây không phải là việc tấm áp phích chứa đựng thông tin nói trên của IFLA được lấy từ một bài viết từ năm 2016 của FactCheck.org, mà theo ông, vấn đề là kiến thức của các thư viện về những thông tin sai sự thật và tin tức giả còn quá hời hợt.

Các thuật toán vừa là kẻ thù vừa là người giúp đỡ

Như thế các thư viện sẽ tụt lại phía sau, nếu họ vẫn cho rằng, chỉ những trang web với thiết kế cẩu thả và không chuyên nghiệp mới có thể là giả mạo. Sullivan cho rằng, ở đây, một trong những vấn đề lớn nhất với những tin tức giả hiện nay đã bị bỏ qua là khả năng sao chép lại y như thật những nguồn chính thức.

Trên thực tế, chậm nhất là chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ gần đây nhất vào năm 2016 đã cho thấy rõ, khả năng thao túng bằng công nghệ hiện đại, đặc biệt trong truyền thông xã hội, đã đạt đến những tầm vóc mới. Do đó, phần lớn của vấn đề này cũng cần phải được giải quyết trên phương diện kỹ thuật. Những ông lớn trong ngành như Ryan Holmes, nhà sáng lập nền tảng quản lý mạng xã hội Hootsuite muốn thúc đẩy các mạng xã hội giám sát nội dung của mình tốt hơn trong tương lai.

Những tin tức giả có ảnh hưởng thế nào?

Theo Sullivan, ngoài ra các thư viện còn không biết rõ, thông tin sai lệch chính xác là gì và chúng ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như thế nào. Trong công việc của các thư viện trong lĩnh vực này cho đến nay, người ta thường cho rằng, cách tốt nhất để chống lại tin tức giả chính là việc truyền đạt rộng rãi những thông tin có kiểm chứng. Nhưng những „thông tin tốt“ không được tiếp thu ngay lập tức – chúng phải chế ngự được những tin tức giả đã được neo giữ sẵn trong bộ não người nhận. Các nhà nghiên cứu não bộ đã phát hiện ra rằng, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Khi những thông tin sai lệch củng cố ví dụ như những niềm tin có sẵn, thì việc việc chỉnh sửa có thể tạo ra hiệu ứng ngược (hiệu ứng Back-Fire) – những dữ kiện không tương ứng với quan điểm của riêng mình, thậm chí còn củng cố thêm quan điểm đó.

Vấn đề còn khó khăn hơn, khi „Fake News“ (Những tin tức giả) đã phát triển thành một khái niệm thời thượng, thành „mốt“ được sử dụng cho nhiều hiện tượng khác nhau. Cho cả những tin tức hoàn toàn bịa đặt lẫn những tin tức về cốt lõi thì có thật, nhưng bị sửa đổi vì lý do chính trị. Thêm vào đó là những tin tức giả được ngụy trang thành dữ liệu thật và những tin vịt cổ điển trên báo: đó là thông tin giả thường dựa trên một sự nhầm lẫn.
 
Tại đây lại xuất hiện yếu tố con người, có nghĩa là thư viện và nhân viên của thư viện xuất hiện trong cuộc chơi. Bởi vì thông tin là một sản phẩm tin cậy, đặc biệt khi nó phải thách thức những niềm tin đã có sẵn. Cũng không thể xem nhẹ được thực tế là việc người ta đã tìm thấy được ở thư viện những kiến thức cơ bản về việc thông tin có thể được xử lý và kiểm chứng như thế nào.

Chuyển Tiếp tri thức trong mạng lưới

Chắc chắn có nhiều thủ thư còn phải tự học những kiến thức truyền thông hiện đại mà họ cần phải truyền đạt. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ của một cá nhân nào, mà là của cả một mạng lưới: „Chúng tôi sẽ cần nhiều loại hình thủ thư hơn“, Nate Hill từ Hội đồng Thư viện Metropolitan New York cho biết trong cuộc trao đổi với Viện Goethe. Đồng thời, các ngành có liên quan như báo chí cũng có thể hưởng lợi từ kiến thức của thư viện – Hill cho rằng, việc quản lý lưu trữ là một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại những tin tức giả.

Một dự án gây ấn tượng mạnh ở Ukraina của Ủy ban Nghiên cứu và Trao đổi Quốc thế IREX đã chỉ ra cách trao đổi kiến thức hiệu quả. Để phản đối hoạt động tuyên truyền được Nga tài trợ, ban đầu, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế này đã tập huấn cho các thủ thư và cuối cùng là 15.000 người Ucraina cách kiểm tra các nguồn tin và cách nhận biết những luồng ý kiến bị tiền bạc chi phối, các thông tin mang tính thù địch cũng như những đoạn video và ảnh bị làm giả, và qua đó chống lại sự thao túng thông tin.

Trên thực tế, các thư viện vốn dĩ không được trang bị để chống lại những tin tức giả. Tuy nhiên họ có đủ điều kiện để luôn có thể sử dụng những nguồn tài nguyên (thông tin) có giá trị.