Literature for children and teens today
Từ chạy trốn, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự nghèo khổ (phần 1)

Stock-Foto vonfachwissen, stapel, himmel
Ảnh (cắt) © Colourbox

Sự phát triển của văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên

Trong khu vực nói tiếng Đức xuất hiện một hình thức văn chương nguyên bản dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên vào thời kỳ cuối thế kỷ 18. Hình thức văn học này tất nhiên hướng đến đối tượng thiếu nhi (ở đây có thể liên hệ so sánh với Kümmerling-Meibauer 2012, trang 10). Trong thể loại văn chương dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên mới xuất hiện này nêu bật các tư tưởng của các nhà sư phạm đã được giải thoát khỏi các thành kiến về chủ đề giáo dục. Và như vậy chức năng của các tác phẩm cũng được xác định: chức năng ban đầu của nó là "truyền đạt các qui tắc và giá trị đã được thiết lập cho thế hệ sau" (Gansel 2012, trang 2): Nó phải dạy dỗ, giáo dục, chỉ bảo và qua đó văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đang hình thành sẽ phát triển trong mối liên hệ chặt chẽ "với hệ thống giáo dục của thời đại" (Gansel 2012, trang 2). Các tác phẩm văn học cho thiếu nhi ở Đức đã thực hiện chức năng như vậy cho đến thế kỷ 20:

Trong khi văn học nói chung hoặc văn học cho người trưởng thành ngày càng tự giải phóng mình khỏi sự bó buộc phải phục vụ một số lợi ích nhất định, tách rời khỏi tôn giáo, triết học và đạo đức, luật pháp và chính trị, khoa học và sư phạm và bất chấp các chủ định xâm phạm về mặt xã hội, chẳng hạn như trong khuôn khổ các khái niệm về sự cam kết văn học, tạo nên một yêu sách về quyền tự chủ, thì văn học hướng đến đối tượng trẻ em lại cam kết một số "mục đích" nhất định.

(Gansel 2012, trang 2)

Mãi cho đến 30 năm cuối thế kỷ 20 văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên mới có sự biến đổi và nói một cách đại khái là nó đã tiến gần hơn đến văn học cho người trưởng thành về hình thức và chủ đề. Tuy nhiên ngay cả sau năm 2000, văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên vẫn tiếp tục mô phỏng các hình ảnh tuổi thơ, gia đình và liên hệ với các tranh luận mang tính chất sư phạm như tính không đồng nhất và hoà nhập vào giáo dục. Trong tuyển tập Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Sự mở đầu, Bettina Kümmerling-Meibauer đã trình bày một cách thuyết phục là chủ yếu các bản dịch trong khu vực Bắc Âu có đóng góp vào sự chuyển đổi như vậy. Ví dụ người kể chuyện từ bỏ việc phê phán với tư cách là một nhà giáo dục văn học và đôi khi được mô tả như là một người kể chuyện trung lập. Dĩ nhiên trong văn học hiện đại cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất được đưa vào và điều này có thể tạo ra nhiều khoảng trống cũng như sự đa nghĩa. Đồng thời cách kể chuyện như vậy có thể mô tả sự giằng xé giữa các nhân vật chính là trẻ em và thanh thiếu niên trong một xã hội chống lại chủ nghĩa hiện đại. Thêm vào đó là các màn độc thoại nội tâm, các cảnh hồi tưởng, sự thay đổi nhanh chóng của các mức độ thời gian và các thời và cách kể chuyện dưới nhiều góc độ khác nhau.

Đoạn kết thường để mở và không cung cấp cho các độc giả nhí những câu trả lời rõ ràng và điểm nhận định cũng thay đổi trong văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên: không phải người kể chuyện dị sự nhận xét và đánh giá hành động của các nhân vật mà giờ đây chính các đứa trẻ và những thanh thiếu niên đó được đưa vào như là các cơ quan đánh giá và không phải lúc nào cũng định hướng theo các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Ngay cả khi quan điểm của chúng không phù hợp với các chuẩn mực thì cũng không bị chỉnh đốn lại. Điều này cuối cùng tuỳ thuộc vào chính người đọc. Ở đây có thể lấy ví dụ là cuốn tiểu thuyết đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học và được đề cử cho giải thưởng văn chương cho thanh thiếu niên Đức cho hạng mục văn học cho thanh thiếu niên Đức vào năm 2013 Người ta không nhìn thấy những chú voi (2012) của Susan Kreller. Tiểu thuyết xoay quanh cô bé Mascha với những kỳ nghỉ cùng với ông bà. Ông bà của cô bé sống trong một khu dân cư trung lưu nơi mọi thứ diễn ra theo những quy tắc nhất định. Khi Mascha phát hiện hai anh em Max và Julia bị bạo hành ở nhà nhưng cộng đồng ở đó làm ngơ để tránh các rắc rối, cô bé quyết định hành động và trong một phản ứng tức thời đã bắt cóc hai đứa trẻ. Hành vi của cô bé được đánh giá theo nhiều cách khác nahu và cuối cùng việc đánh giá việc làm của cô bé tuỳ thuộc vào chính người đọc. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu như sau:

Việc xảy ra trong ngôi nhà màu xanh khiến tôi và cả bố tôi có những cái nhìn khó chịu. Những cái nhìn đó kéo dài đến tận cuối kỳ nghỉ, nhưng bố tôi đã lên đường sau hai tiếng đồng hồ rồi. Tôi ước giá như bố có thể ở lâu hơn và đến lúc nào đó bố sẽ thấy rằng điều sai trái mà tôi đã làm không có gì là sai cả, hoặc chỉ sai một chút thôi, gần như là đúng. Nhưng tất cả những điều bố đã nhận thấy trong khu vườn của ông bà, giá nó có thể diễn ra theo cách nào đó không thể khác hơn được.

(Kreller 2012, trang 9)

Câu chuyện được kể lại xảy ra trực tiếp tại đây dưới dạng hồi tưởng theo cách nhìn của Mascha. Trong sự mô tả đó không có một giải pháp nào được đưa ra. Giống như Mascha người đọc cũng phải tự đánh giá về chuyện đã xảy ra. Tất cả những lời giáo huấn mang tính sư phạm, tức là những đặc trưng cho thời kỳ đầu xuất hiện văn chương nguyên thủy cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chấm dứt hình thái văn chương cho thiếu nhi và thanh thiếu niên là văn chương xã hội hóa. Từ đó có sự phân hóa giữa văn chương thiếu nhi và văn chương cho thanh thiếu niên kể từ những năm 1990. Nó tồn tại một loại hình văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên thú vị và đòi hỏi cao (xem Kümmerling-Meibauer 2012, trang 73), thêm vào đó là thứ mà Dieter Wrobel gọi là “văn học định hướng đối tượng“ (Wrobel 2010, trang 7): có thể kể vài ví dụ ở đây là tuyển tập các câu truyện Các cô gái hư – Các cuốn sách xấu xa của Thienemann do nhà xuất bản Planet Girl phát hành cũng như tuyển tập Những gã cầu thủ bóng đá hoang dã.[1] Bên cạnh đó những cuốn sách này được phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông cũng là đặc trưng của sự phát triển văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên trong những năm gần đây.

Văn học dành thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện đại không chỉ được sáng tác cho các đối tượng độc giả khác nhau, nó cũng loại bỏ các quy định của hình thức truyền thống và sử dụng cách kể chuyện hậu tân tiến. Tương tự như văn học cho người trưởng thành, văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên cũng xáo trộn các bối cảnh di động, sắp xếp chúng lại theo trật tự mới và tạo ra các mối liên hệ giữa các đoạn văn. Kể từ đó có một thể loại ngoại lai cực kỳ phổ biến gọi là tiểu thuyết Steampunkt trong đó các yếu tố khoa học viễn tưởng và một bối cảnh lịch sử, đặc biệt là nước Anh thời kỳ Victoria hòa trộn vào với nhau. Tiểu thuyết dành cho thiếu nhi hiện đại ngày nay loại bỏ các thể loại phức hợp truyền thống, có nghĩa là các đoạn văn có định hướng giải quyết vấn đề, tâm lý hoặc kỳ lạ và trộn chúng với nhau. Ví dụ nổi bật có thể nhắc tới ở đây là các tiểu thuyết của Salah Naoura, Tamara Bach, Finn-Ole Heinrich, Elisabeth Steinkellner và Andreas Steinhöfel.

Sự mở rộng chủ đề và các sự thay đổi trong văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên sau 2000

Ngay từ những năm 1970 văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên đã có đặc điểm là chủ đề mở rộng và phản ứng với quá trình hiện đại hóa xã hội. Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên tạo khuôn và xây dựng hình ảnh các bé gái, bé trai, người trưởng thành và xoay quanh các cuộc tranh luận xã hội.

Tuổi thơ và Gia đình trong quá trình dịch chuyển

Một trong những mô típ quan trọng nhất của văn học thiếu nhi là gia đình và quan điểm về các hình thức gia đình phức hợp đang thay đổi. Trong những năm 1970, văn chương xoay quanh các nội dung gia đình là không gian của một tuổi thơ hạnh phúc bị tan vỡ với bạo lực về thể chất và tinh thần. Càng về sau càng nhiều dạng gia đình khác nhau được thêm vào như cha mẹ đơn thân, gia đình chắp vá từ các cuộc hôn nhân đổ vỡ, các cặp cha mẹ đồng tính. Các tác giả như Kirsten Boie đóng vai trò nổi bật với các quan sát về thời niên thiếu cũng như gia đình vì các tác phẩm của bà vẽ lại chính xác gần như máy đo địa chấn về các mô hình gia đình khác nhau. Trong tiểu thuyết tâm lý dành cho thiếu nhi Chẳng ai nói chuyện với trẻ con (1990) bà lấy trọng tâm là các kết hợp gia đình gia trưởng kéo theo hậu quả là chứng trầm cảm thì trong tiểu thuyết về mẹ đơn thân Nella-Propella, tiểu thuyết Mọi chuyện sẽ khác với Jakob (1986) bà đặt ra câu hỏi liệu người cha cũng có thể nghỉ phép ở nhà để chăm sóc con để mô tả về một người bà khác thường và giới thiệu các kiểu giáo dục khác nhau trong các tuyển tập tiểu thuyết Sommerby (2018-2021).

Thêm vào đó kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới tiểu thuyết có một cái nhìn mỉa mai nhưng cũng đầy phê phán về thế hệ cha mẹ như Anke Stelling giới thiệu trong cuốn sách dành cho trẻ em Erna và ba sự thật (2017). Erna sống trong một tòa chung cư giống một nhà cộng đồng ở Berlin. Cô bé theo học tại một trường Montessori và chỉ trích cách sống lúc thế này lúc thế kia của bố mẹ mình. Cô bé mong ước được theo học tại trường phổ thông Gymnasium. Như vậy cuốn tiểu thuyết cũng đặt ra câu hỏi là liệu cách sống của thế hệ cha mẹ, những người cộng hưởng cùng nhau có chỗ cho sự phát triển của trẻ hay không. Ngay cả Silke Lambeck trong cuốn sách dành cho thiếu nhi nhiều lần được trao giải Cậu bạn Otto của tôi, cuộc sống hoang dã và tôi (2018) cũng xoay quanh các quan niệm khác nhau về gia đình và hai thiếu niên với cái nhìn hoàn toàn mỉa mai với những nỗ lực của bố mẹ chúng. Tương tự như Stelling, Lambeck cũng định vị cho câu chuyện của mình ở Berlin, chính xác là ở Prenzlauer Berg và đề cập đến chỉnh trang đô thị. Stefanie Höfler trong tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng Mùa hè của tôi với Mucks (2015) không chỉ sử dụng các hình ảnh gia đình tương phản mà còn cho thấy một mái ấm gia đình có thể khuyến khích sự phát triển của trẻ như thế nào. Tiểu thuyết xoay quanh hai đứa trẻ là Mucks và Zonja. Mucks mới chuyển đến thành phố. Zonja vì một số cách hành xử nhất định nên không có bạn bè nhưng không thấy thiếu gì với mái ấm gia dình yêu thương của mình. Với Mucks, Tanja biết được ý nghĩa của tình bạn cũng như một gia đình tan vỡ sẽ trở nên thế nào.

Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên biết đến những bà mẹ đơn thân với những mối quan hệ luôn thay đổi, cả những ông bố đơn thân mà không cần đưa ra đoạn kể đánh giá nào về kiểu mẫu gia đình này. Đó chính là các giọng nói của trẻ em và thanh thiếu niên phải tự điều chỉnh và thích ứng với các hoàn cảnh đó. Trong tiểu thuyết Gia đình Flickenteppich (2019-2021), Stefanie Taschinski kể về một gia đình có người mẹ bỏ sang Úc sáng tác nhạc. Người bố và những đứa con ở lại phải đi tìm một căn hộ mới và phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Những điều trước kia hay được kể dưới cái nhìn của người phụ nữ đang dần thay đổi.
Đó cũng chính là những ông bố yêu thương chăm sóc con cái của mình, đấu tranh vì chúng khi phải chia ly và mặc dù bị tổn thương nhưng không từ bỏ như trong tuyển tập Maulina Schmidt (2013-2014) của Finn-Ole Heinrich. Trong những trường hợp này các ông bố đơn thân phải đấu tranh với các đòi hỏi tương tự và cần sự giúp đỡ. Họ nhận được sự giúp đỡ và khu nhà chung cư như trong tiểu thuyết Gia đình Flickenteppich trở thành một gia đình thay thế nơi mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Đó là hình ảnh một gia đình với nhiều thế hệ được tạo ra mà không cần đến các mối quan hệ máu mủ. Đồng thời vai trò của ông bà cũng thay đổi do họ ngày một tích cực hơn. Tựu chung lại có thể nói rằng trong các câu chuyện trẻ em và người lớn được tạo cơ hội để có không gian sống riêng của mình mà không làm trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi. Những người cha mẹ đi làm là một thành phần không thể thiếu.

Các tác giả nữ như Judith Burger, Dita Zipfel hay Tamara Bach trong các cuốn tiểu thuyết Robert đang yêu (2019), Ringo, tôi và một mùa hè không ngờ (2021), Điều vô lý khiến tôi hiểu mọi chuyện như thế nào (2019) hay Các từ bắt đầu bằng chữ L (2019) hướng đến quá trình chuyển đổi từ thời thơ ấu sang tuổi niên thiếu và đề cập đến các chủ đề như những sự hiểu lầm, các sự rắc rối của mối tình đầu. Thông qua đây các nữ tác giả thể hiện một cách tinh tế quá trình chuyển đổi từ thời thơ ấu sang vị tuổi vị thành niên một cách đầy mâu thuẫn nhưng cũng đớn đau. Đây là một chủ đề vẫn ít được nhắc đến trong sách thiếu nhi nhưng lại rất hữu ích cho sự phát triển của các độc giả nhí. Đó không chỉ là giai đoạn trưởng thành gắn liền với các sự thay đổi mà còn chính là giai đoạn chuyển tiếp đó.
 

Tài liệu tham khảo

  • Gansel, Carsten: Các xu hướng mọi lứa tuổi và sự làm mất tập trung trong văn chương đương thời cho các độc giả trẻ. Trong: giờ học tiếng Đức H. 4, 2012, trang 2-11.
  • Gansel, Carsten: Văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện đại. Các đề xuất cho bài giảng định hướng năng lực. Cornelsen: Berlin 42010.
  • Kliewer, Annette (2004): Phương pháp sư phạm về sự đa dạng: Zoran Drvenkar: Không ai mạnh bằng chúng tal. Trong Klierwer, Annette/Schilcher, Anita (Hg.): Đất nước này cần độc giả mới!
  • Hướng đến các bài học phân biệt giới tính với văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Schneider: Hohengehren, trang 172-181.
  • Kümmerling-Meibauer, Bettina: Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Sự mở đầu. WBG: Darmstadt 2012.
  • Wrobel, Dieter: Đọc cá nhân hoá. Hỗ trợ đọc theo các nhóm đọc không đồng nhất. Lý thuyết - Mô hình - Đánh giá. Schneider: Baltmannsweiler 2008.
  • Wrobel, Dieter: Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên sau năm 2000. Trong: tiếng Đức trong thực hành, số 224, 2010, trang 4-11.
 
Chú giải
[1] Những cuốn sách này được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ hỗ trợ đọc sách trong phạm vi nghiên cứu văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên và sư phạm văn học (xem thêm Wrobel 2008 và 2010).