Nàng K... - Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm
Gửi Truyện ngắn bằng hình ảnh
Các bức vẽ về tính thời sự trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
Viện Goethe mời các nghệ sỹ vẽ truyện tranh, hoạt hình, biếm họa và animation Việt Nam gửi một truyện ngắn với 3 hình hoặc hình ảnh động hoặc phim animation liên quan đến Tính Thời Sự của tác phẩm Truyện Kiều. Câu hỏi đặt ra là:
Ngày nay chúng ta diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ trông ra sao?
Kích Thước tác phẩm | 983 px (chiều rộng) x 427 px (chiều cao) hạn gửi | 31.10.2019 Gửi tới Wilfried.Eckstein@goethe.de |
Diễn giải về ý đồ chương trình:
Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn chương lớn và thuộc về di sản văn hóa của Việt Nam. Từ thế kỉ 19, tác phẩm đã được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia và cho đến nay vẫn được xem như một kho tàng chứa đầy kinh nghiệm sống cho nam giới và phụ nữ bằng tiếng Việt. Truyện Kiều là nguồn cảm hứng và đề tài cho các bức họa, các câu chuyện được kể lại, các tác phẩm chuyển thể sân khấu và phim. Cho đến tận bây giờ, những câu chuyện trong đó vẫn tiếp tục tồn tại qua các trích dẫn và các biểu đạt dí dỏm, mang đến niềm an ủi và hi vọng. Trải dài theo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, tác phẩm truyện thơ đã mang trong mình lời hứa nghệ thuật rằng mọi khổ đau đời người rồi sẽ dẫn đến một điều gì đó tích cực, bởi tác phẩm không kết thúc bằng cái chết của Kiều, mà bằng sự cứu rỗi và mở ra một cuộc đời tự quyết mới.Ở điểm cuối của câu chuyện đau thương, Kiều có một vị trí đường hoàng cho chính bản thân, trong gia đình, ở nơi mình sống và trên toàn đất nước. Cô tự chủ quyết định hướng đi tiếp theo của đời mình. Quyết định của Kiều thể hiện dấu hiệu cho ý chí của người phụ nữ muốn có quyền tự quyết cho đời mình, một cuộc đời có phẩm giá.
Vậy tại sao Viện Văn hóa Đức lại tập trung vào tác phẩm ngôn ngữ bậc thầy được nhất mực tôn kính tại Việt Nam này? Truyện Kiều đã được chuyển dịch và tìm được độc giả mới thông qua bản dịch đó. Luôn là như vậy, khi một tác phẩm văn học lớn, ví như của Cervantes, Shakepeare, Tschechow hay Goethe, được dịch sang một ngôn ngữ khác, thì những người đọc mới lại khám phá thêm chiều sâu và ý mở của tác phẩm. Từ đây đặt ra một câu hỏi, liệu tác phẩm đó có thể mê hoặc hay được những nền văn hóa khác đón nhận, liệu có khả năng tìm được chỗ đứng trong bối cảnh văn hóa mới và chấp nhận những diễn giải mới? Ví như trong âm nhạc, thách thức thường trực đặt ra với bài Ode an die Freunde (Ode to joy) nằm trong phần bốn Bản giao hưởng số 9 của Beethoven là, tác phẩm bậc thầy ấy có chạm đến trái tim khán giả ở nền văn hóa và ngôn ngữ khác? Nếu thành công, sức mạnh biểu đạt của tác phẩm đó sẽ vượt khỏi ranh giới lãnh thổ quê hương mình. Việc Viện Goethe tiếp cận với Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ làm tăng tính liên quan và đưa danh tiếng của tác phẩm vượt ra khỏi biên giới quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, với khán giả Phương Tây, Kiều ngày nay hầu như không còn được nhìn nhận đơn thuần như hình ảnh ẩn dụ cho nỗi đau và sự kiên cường của Việt Nam. Không khó để nhận ra một câu chuyện như sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thế kỷ nay về sự áp bức phụ nữ và nạn buôn người. Từ quan điểm đó, Truyện Kiều tựa như một câu chuyện cổ tích đáng sợ mang nhiều hình ảnh tinh tế, mà ở nơi trung tâm là một người phụ nữ bị đàn áp. Cô trải qua nhiều điều khủng khiếp và ít trải nghiệm đẹp. Những tội ác ập đến với Kiều, cơ thể và tâm hồn cô bị chà đạp. Giống như bất cứ con người bình thường nào, cô tìm kiếm may mắn, muốn sống, yêu thương và được yêu thương nhưng lại liên tiếp bị áp bức và đẩy vào lầm lạc. Ngày nay, một câu chuyện như vậy buộc chúng ta phải thức tỉnh trước câu hỏi về sự tiến bộ của lịch sử, về giá trị và phẩm giá của con người trong thế giới này. Chúng ta đại diện cho hình ảnh nào về con người? Hình ảnh gì về phụ nữ trở thành then chốt trong nền văn hóa của chúng ta? Và cuối cùng là câu hỏi: Ngày nay chúng ta diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ trông ra sao?
Vào tháng 7 vừa rồi, Viện Goethe đã tổ chức một chương trình tọa đàm về các góc nhìn đa chiều với Truyện Kiều. Chúng tôi đã được lắng nghe nhiều kiến thức và phân tích sâu rộng, từ mối liên hệ lịch sử với chất liệu câu chuyện từ Trung Hoa đến những tham vấn về vai trò của phụ nữ ngày nay. Với những người phụ nữ độc thân, đã kết hôn hay đã li hôn có và không có ràng buộc thì sao? Những khuôn mẫu văn hóa truyền đời nào khiến phụ nữ phải uốn mình theo ý muốn của một trong số những giá trị mà nam giới đặt ra và theo thói quen thống trị? Nơi nào mang đến cho người phụ nữ sự tự do và tự tin mới để tạo ra hình ảnh mới, cách nhìn mới về Kiều? Ngày nay chúng ta diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ trông ra sao?