Michael Zichy
Triết gia, Salzburg
Von Michael Zichy
Tình trạng hiện tại có giá trị biểu tượng gì đối với cá nhân ông và đất nước ông?
Không chỉ một, mà cả một dòng thác biểu tượng sinh ra từ tình trạng hiện tại. Tôi xin lấy ra ba hình ảnh trong đó: Thoạt tiên là hình ảnh siêu thực của phố xá và quảng trường không một bóng người trong khi thường ngày tắc nghẽn bởi du khách, cùng với nó là hơi thở phào nhẹ nhõm đầy hy vọng, là sự hàm ơn ngây thơ đối với quãng lặng bắt buộc sau những ào ạt điên rồ của đời sống thường nhật. Không lâu sau, hình ảnh đó bị choán đi bởi hình ảnh một đoàn xe tải quân sự nối đuôi nhau chở xác chết ở Bergamo đến đài hoá thân. Và rốt cục là một hình ảnh rất cá nhân, biểu tượng ứng dụng WhatsApp trên điện thoại di động của tôi, nó cho tôi biết người bạn thân nhất trong số bạn bè tôi đang vật lộn giành lại sự sống ở khoa cấp cứu có nhắn tin gì không. Hình ảnh ấy cắt đứt dòng siêu thực, nó khiến tôi cảm nhận được cuộc khủng hoảng này chắc chắn phải gây ra cảm giác gì cho tất cả những người mất bị việc, những người đang thấy cuộc sống của mình bị đe doạ, những người đang lo sợ cho người thân hay đang đích thân chiến đấu vì sự sống của mình. Chính hình ảnh ấy là nhát búa tối hậu dồn vào đầu tôi thực tế tàn nhẫn của căn bệnh này.
Đại dịch sẽ thay đổi thế giới ra sao? Ông nhận thấy hệ quả dài hạn nào của cuộc khủng hoảng?
Đưa ra những dự đoán dài hạn – nhất là về một sự kiện chưa từng được biết đến như cuộc khủng hoảng Corona – luôn là một việc khó khăn. Tuy nhiên, ngay cả khi có nguy cơ nói sai hoàn toàn, vẫn nên xét đến triển vọng này: Cuộc khủng hoảng Corona đã tạm làm ngừng trệ hệ thống kinh tế được kết nối toàn cầu và qua đó chỉ ra gót chân Achilles của nó. Corona đẩy các quốc gia vào các khoản nợ lớn và lùi trở về biên giới nhà nước dân tộc của họ, không chỉ thế, nó còn đẩy con người vào cảnh bất an, lo sợ sống còn, khiến họ chịu áp lực tâm lý cùng cực; nhưng cuộc khủng hoảng cũng chỉ rõ rằng các quốc gia và xã hội có thể phản ứng bằng hành động chung quyết liệt. Như mọi kinh nghiệm xương máu, cuộc khủng hoảng này sẽ tác động để sau nó sẽ không còn diễn biến như trước nó nữa.
Một khi khủng hoảng đã qua, có thể tin rằng sau giai đoạn tái kiến thiết tích cực và đồng tâm chính trị sẽ có sự gia tăng xung đột chính trị và xã hội và – không có gì bất ngờ – đưa đến biến động lớn. Điều đó có ít nhất ba lý do: Thứ nhất, phải san sẻ các gánh nặng, trong đó đặc biệt phải nói đến các gói cứu trợ tiền tỉ do chính phủ các nước trên thế giới đưa ra. Quá trình này sẽ không diễn ra mà không vấp trở ngại. Ai phải chi, ai không phải chi? Những ai cho đến nay trốn tránh trách nhiệm (thuế) sẽ không được phép mong đợi sự thông cảm nữa. Thứ hai, phải tái tổ chức hệ thống kinh tế và hệ thống y tế để tăng cường khả năng đề kháng. Quốc gia nào còn dám cho phép mình thiếu chuẩn bị khi đương đầu với cuộc khủng hoảng tiếp theo, cũng như phụ thuộc vào việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu? Điều này cũng sẽ gây ra tranh luận về ý nghĩa gì đối với xã hội của một hệ thống được trang bị đầy đủ để chống đại dịch và thảm hoạ.
Và thứ ba là các biện pháp quyết liệt do các quốc gia trên thế giới đưa ra để phản ứng với khủng hoảng Corona cho thấy rõ các khả năng – về mặt tích cực cũng như tiêu cực: Con người nghiêm chỉnh tuân thủ các hạn chế mà trước đó không ai hình dung ra được, họ nhất trí chấp hành các quy định và tán thành với biện pháp giám sát của nhà nước, máy bay không cất cánh, không khí bỗng dưng trong lành, tình đoàn kết giữa con người và giữa các quốc gia diễn ra tốt hơn dự tính, nhà nước phân phát tiền cho người dân vô điều kiện, các nền dân chủ (thiếu ổn định) phát triển thành thể chế độc tài v.v. Tất cả những điều đó thức dậy ý thức rằng nhiều thứ dường như không tưởng mà vẫn khả thi. Và chính điều đó sẽ đưa đến hệ quả là các yêu sách chính trị và xã hội sẽ phải được hậu thuẫn quyết liệt hơn, các lựa chọn phải được thúc đẩy với quyết tâm cao hơn, và áp lực cải cách sẽ gia tăng. Vì tất cả những biện luận làm tê liệt và cho đến nay cản đường mọi biến chuyển mạnh mẽ, trong đó có các biện pháp đầy triển vọng chống lại hậu quả đe dọa từ thảm hoạ khí hậu, huỷ hoại môi trường và bất công xã hội (không thực hiện được đâu, quá tốn kém, không thể chấp nhận được, không thực tế) sẽ chỉ để làm trò cười.
Ngoài ra, có thể mong đợi ý thức hệ mới về những điều khả thi có cơ sở niềm tin: Chính nhà nước đã dẫn dắt ra khỏi khủng hoảng, chứ không phải thị trường. Cái giáo điều tân tự do, vốn từng làm kiệt quệ hệ thống y tế ở nhiều nước và qua đó làm chất xúc tác cho khủng hoảng, sẽ bị loại trừ trong một thời gian đáng kể. Thời đại mới sẽ lấy nhà nước làm cơ sở – hy vọng ở quy mô hợp lý. Ngoài ra ta còn có thể hy vọng ý thức hệ mới về những điều khả thi đó luôn song hành với những gì mà cuộc khủng hoảng này phát lộ: tính chất hệ trọng mới, từng quét sạch sự thờ ơ với chính trị và khiến con người – khi đối mặt với áp lực đấu tranh sống còn – đánh giá chính trị bằng cặp mắt khác. Rốt cục, cũng có khả năng điều đó đưa lại nhận thức rằng lực lượng dân tuý – mối nguy hiểm lớn nhất cho đến nay – được nhận diện một cách chính xác là lũ dối trá nguy hiểm và những thằng hề trơ tráo.
Hy vọng của ông dựa vào đâu?
- Nó là một kinh nghiệm tập thể ở quy mô toàn cầu về một mối đe doạ chung, từ đó sinh ra một ý thức thuộc về lẫn nhau, kiến tạo sự thấu cảm và thúc đẩy tình đoàn kết.
- Cuộc khủng hoảng này có sức huỷ diệt, có phá tan mọi lề thói quen thuộc, vô hiệu hóa các hình mẫu tư duy theo lệ cổ, và đòi hỏi một định hướng mới trong tư duy và hành động. Điều đó tăng cường tính linh hoạt về tinh thần và khả năng thích ứng.
- Một lúc nào đó cuộc khủng hoảng sẽ bị khuất phục, thực tế ấy đem lại cho ta cảm giác đã cùng nhau đạt được mục đích, cảm xúc đó có thể lôi chúng ta ra khỏi tình trạng thụ động và động viên ta hãy cùng nhau tiến đến nhiều thử thánh lớn hơn.