Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Moscow
Oleg Nikiforov, Xuất bản sách

Von Oleg Nikoforov

Portraitbild von Oleg Nikiforov; er hat kurze Haare und trägt eine schwarze, rechteckige Brille; im Hintergrund sind Häuser © Oleg Nikiforov TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN ÔNG HAY ĐẤT NƯỚC ÔNG?

“Tình trạng hiện tại“ trên thế giới, tức là ở Nga, tức là ở thành phố Moscow với khoảng 20 triệu dân, nơi tôi hiện tại đang cư ngụ và sinh sống, cho đến nay chưa gây ra ấn tượng về một “thảm hoạ“, tuy nhiên không thể phủ nhận một linh cảm “sẵn sàng chờ đón tín hiệu báo động“. Thành phố này – và cả nước – chính thức ở trong một dạng “thiết quân luật“, nhưng ở đây và lúc này chưa thể quyết định, liệu đó là một cuộc “tập dượt báo động“ hay “báo động thật“; và cũng không thể lường trước khả năng nào đó về biện pháp “tổng động viên“ sẽ nối tiếp tình trạng “cách ly khẩn cấp“ mang tính phòng ngừa này. Chính sự hoang mang bất ổn đó đã đưa chúng tôi vào trạng thái “chờ đón tín hiệu báo động“.
 
“Sự đình trệ“ ngự trị ở đây khiến cá nhân tôi nhớ nhất về một thời đoạn “án binh bất động“ từ ngày thứ hai đến ngày thứ tư của Cuộc đảo chính tháng Tám 1991 (khi mà lệnh “tấn công Nhà Trắng“ không được phát động, cũng chẳng thấy nỗ lực đưa Liên Xô trở lại đường ray cộng sản chủ nghĩa; hậu quả của sự lặng thinh đó – sự không tin tưởng đó – là Liên Xô tan rã (xét về hình thức và chính danh là 4 tháng sau, vào ngày 26-12-1991)). Hôm ấy, ngày thứ hai của cuộc đảo chính, tôi vừa quay trở về Moscow để tiếp tục cuộc đời sinh viên khoa Triết ở Đại học Lomonosov mà tôi đã bắt đầu hồi 1987 – đã trong thời “Perestroika“ nhưng vẫn dưới chính thể xô viết – để đích thân nghiên cứu hiệu lực của “Chủ nghĩa duy vật lịch sử“. Vấn đề chỉ là hồi 1987 ngay cả ở trường đại học cũng hiếm thấy ai còn tin vào hiệu lực của “Chủ nghĩa duy vật lịch sử“ nữa – trừ vài mống lập dị hoàn toàn có uy tín cao ở khoa Triết. Ngày ấy chẳng có ai thực sự tin hoặc chỉ hy vọng vào tương lai cuộc thử nghiệm do Liên Xô tiến hành nhằm tác động mạnh mẽ đến lịch sử.
 
“Thất bại âm thầm“ của Cuộc đảo chính tháng Tám 1991 là bằng chứng cho một sự thật hiển hiện được xác thực bởi lời “thú nhận bất tín“ của hàng ngàn dân Moscow tụ tập nhằm bảo vệ một cách tượng trưng toà nhà Các uỷ ban xô viết của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Trái lại, sự tan rã của Liên bang Xô viết tiếp sau đó thực sự đầy biến động và đầy kịch tính, diễn ra trong những tiếng hô “Chấm dứt lịch sử!“ và “của thế kỷ 20 (ngắn ngủi)“ (giống như các tuyên ngôn lịch sử đối kháng như “9/11“ v.v.) Có lẽ chúng ta vừa đạt được hôm nay chương kết của “Thế kỷ 20 lịch sử“ – với khởi đầu của đại dịch COVID-19. Và thế là chúng ta tiến luôn vào thời kỳ “Hậu lịch sử“ và trượt đánh oạch về phía hậu quả toàn cầu của nó, cái hậu quả mà cho đến nay khó đánh giá nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi.
 

ÔNG NHẬN THẤY HỆ QUẢ DÀI HẠN NÀO CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG?

Người ta đã linh cảm được rằng sẽ có biến đổi tất yếu, đó là những biến đổi sâu sắc và mãnh liệt, nhưng cho đến nay chỉ có thể lờ mờ phỏng đoán sẽ có những gì biến đổi cụ thể: khái niệm “Cuộc sống“ chắc chắn sẽ phải được định nghĩa lại một cách “cách mạng“ – về phương diện xã hội, chính sách xã hội và văn hoá, cũng như trong các hình mẫu và thể chế cơ bản trong mối ràng buộc như ta thấy; “Cuộc sống“ được định nghĩa mới và biến thành đơn vị sinh-chính trị (hay gien-chính trị) được giám sát và biến đổi bởi “các pháp nhân quốc gia hay liên quốc gia về đời sống và sức khoẻ“.
 
Hiện tại “nhà nước“ mới chỉ tỏ ra “lo ngại sâu sắc“ về vấn đề trên, tuy không thể mường tượng được quy mô của nó (mặc dù nhà nước hoàn toàn có thiện ý): “Hạn chế đi lại“ – đồng ý; “Sẵn sàng cách ly triệt để “ – nhất trí; “Khẩn trương xây dựng bệnh viện truyền nhiễm mới“ – nhất trí; “Hỗ trợ người dân trong cơn suy thoái kinh tế sắp tới “ – nhất trí; nhà nước hỗ trợ các cơ sở tham gia cuộc chạy đua toàn cầu nhằm phát triển thuốc tiêm phòng SARS-CoV-2 – tất nhiên là hoàn toàn nhất trí! Nhưng nhà nước, vốn là một thể chế được mọi bên kính nể và tôn trọng, và qua đó về lý thuyết có nghĩa vụ đưa ra “đáp án và chiến lược“, cần làm gì lúc này, khi đại dịch có dấu hiệu sẽ diễn ra trong nước và như một cơn lở tuyết từ đâu đó trên đỉnh núi tràn xuống, mỗi lúc một nhanh hơn và toả rộng hơn, trong khi chúng ta còn sống cuộc sống rất an nhiên dưới thung lũng thanh bình, cho dù ý thức được rằng chỉ vài tuần nữa khối tuyết lở có thể sẽ cuốn chìm mọi thứ và chắc chắn cướp đi mạng sống của “tất cả những ai già yếu và có sức đề kháng kém“, trừ phi có điều thần kỳ bất ngờ nào đó diễn ra (tức là điều mà nhà nước lấy làm đau khổ nhưng không thể tác động vào)? Đó là câu hỏi làm đau đầu những ai có trách nhiệm bảo đảm khả năng hoạt động của nhà nước và tỉ lệ tín nhiệm của công dân.
 
Vì vậy – “phải làm gì đi chứ!“ – đường phố Moscow được sát trùng để phòng ngừa: hàng đoàn xe phun nước hăng hái phun “loại thuốc sát trùng thích hợp“ ra mặt đường và sân bãi thành phố. Ở vài nơi họ nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm “phòng ngừa“ tư nhân sử dụng máy hút bụi công nghiệp. Vì ngay cả khi khắp nơi còn lúng túng thì ai cũng biết rõ là rửa tay và vệ sinh đường phố chắc chắn không thừa …
 

CÁI GÌ KHIẾN ÔNG HY VỌNG?

“Nhưng ở đâu có nguy cơ thì ở đó cũng nảy ra giải pháp cứu nguy“ (Friedrich Hölderlin, Patmos (1803)). Giờ chỉ còn việc tìm ra “nguy cơ“ đó đang ở đâu và công việc thực sự của chúng ta là gì.
Tôi không thấy “nguy cơ“ ấy trong mỗi đe dọa sát sườn đối với sự sống của những người thân với “hệ đề kháng yếu“ hay “những người già“ – vốn là những người mở đường cho ký ức và cầu nối đến với lịch sử của chúng ta và do đó là những cá nhân vô giá, mà trong tinh thần sẵn sàng đối phó hiện tại, vươn qua mọi biên giới để kết nối chúng ta với nhau: biên giới chính trị, biên giới ngôn ngữ, biên giới tuổi tác, và kết nối chúng ta với cả những người “xa xôi“ với chúng ta - ở các châu lục khác, bên nhà hàng xóm hoặc ở phòng sát vách.
 
 
Tôi đặt hy vọng vào sự đồng tâm mới giữa mọi người, bỏ qua mọi dị biệt ngôn ngữ “quá khứ“ giữa hàng trăm dân tộc, tẩy chay sự phân bạch hình thức giữa các chủng tộc, giai cấp, quốc gia và điều kiện lịch sử. Chẳng phải đối thủ của chúng ta, bây giờ có tên COVID-19, cũng không hề đếm xỉa đến các biên giới nói trên đó sao?