Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Eva Illouz
Giáo sư xã hội học ở Jerusalem và Paris

Von Eva Illouz

TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN BÀ VÀ ĐẤT NƯỚC BÀ?

Con người có tính thích nghi phi thường. Thoạt tiên tôi có cảm giác như trong phim Melancholia (2011) của Lars von Trier, khi khán giả trong tâm trạng nửa kinh hãi nửa bất lực, dần dần hiểu ra rằng thế giới sắp sửa tàn lụi vì va phải hành tinh Melancholia. Ở đoạn cuối phim, khán giả mê mải và đờ đẫn dõi theo đường đi của hành tinh đang hướng tới cú đâm vào trái đất. Lúc đầu chỉ là một chấm nhỏ xa lắc trên bầu trời, rồi thành một đĩa tròn càng lúc càng lớn hơn, cuối cùng nó choán hết màn ảnh và đâm vào trái đất.
 
Giờ thì tất cả chúng ta đều bị hút vào một sự kiện bao phủ toàn cầu và chưa hề biết được quy mô của nó lớn đến đâu, vì thế tôi đi tìm những sự kiện tương tự và nhớ đến cảnh cuối cùng trong phim của Lars von Trier.
 
Vào tuần thứ hai của tháng Giêng 2020 tôi đọc trên báo Mỹ về một thứ virus kỳ quái và tôi rất chú ý tìm hiểu cho rõ hơn, vì con trai tôi định đi du lịch Trung Quốc. Lúc đó virus còn rất xa vời, như đĩa tròn sáng của một hành tinh hăm dọa. Con tôi báo huỷ chuyến đi, nhưng hình tròn kia vẫn tiếp tục hành trình không sao tránh khỏi của nó và từ từ đâm xuống chúng ta ở châu Âu và Cận Đông. Cùng nhiều người khác, tôi quan sát quá trình thế giới sập nguồn. Virus corona là một sự kiện bao phủ hành tinh với một quy mô mà chúng ta hầu như không nắm bắt được - không chỉ vì mức độ lan toả khắp thế giới của nó, không chỉ vì tốc độ lây nhiễm của nó, mà còn vì chỉ trong vòng mấy tuần lễ đã có nhiều thể chế bị sụp đổ, những thể chế mà chúng ta chưa bao giờ nghi ngờ quyền lực vô biên của chúng. Đối với bản thân tôi, khi tình hình đã ổn định thì cuộc sống hiện tại vừa bị ảnh hưởng sâu sắc lại vừa như không thay đổi mấy. Là một nhà khoa học, tôi đã quen ngồi đọc và viết một thời gian dài trong phòng. Sự hạn chế về không gian đối với tôi là một thực tế thân thuộc. Tôi sống đồng thời ở hai châu lục - Pháp và Israel. Và con virus này giữ chân tôi ở một trong hai điểm đó. Tôi cảm thấy như bị tách rời nửa kia của mình.
 
Xét trên bình diện quốc gia thì cuộc khủng hoảng corona là cuộc khủng hoảng sâu nặng nhất trong lịch sử Israel, vì cùng lúc nó là cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và chính trị. Israel là quốc gia duy nhất có vị thủ tướng bị hạ bệ qua bầu cử - Benjamin Netanjahu - sử dụng một dịch bệnh để lách luật và trốn tránh kết quả bầu cử.
 
Tôi thú thực là vào lúc bắt đầu khủng hoảng tôi rất ấn tượng về tính chất nghiêm túc và rốt ráo trong các biện pháp mà người Israel tiến hành, và tôi tự nhủ, quá bận bịu nhiều việc để cứu sống mạng người thì còn tốt hơn là quá vô tư tỏ ra lạc quan như ở Pháp hay ở Anh. Nếu so sánh thì, theo ý tôi, Israel đã thể hiện ý thức trách nhiệm và tính cẩn trọng. Nhưng sau đó các sự kiện chính trị bắt đầu nổ ra và dần dần tôi hiểu rằng Netanjahu tận dụng cuộc khủng hoảng này một cách vô cùng đểu cáng để trốn tránh luật pháp và thất bại bầu cử.

ĐẠI DỊCH SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI RA SAO? BÀ NHẬN THẤY HỆ QUẢ DÀI HẠN NÀO CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG?

Tất nhiên không thể đoán trước được các hệ quả kinh tế. Tôi dự tính sẽ có nạn thất nghiệp lớn. Và tất cả phụ thuộc vào cách xử lý. Nếu xử lý như trong khủng hoảng 2008 - tức là nhà giàu, các tập đoàn lớn và Wall Street thoát nạn ngoạn mục, thì tôi tin là sẽ có biến động trong đông đảo quần chúng hay thậm chí nổ ra cuộc cách mạng. Tôi không tin là chúng ta sẽ lại chấp nhận một cái dù cứu trợ nữa do người dân chi trả để cứu những người giàu nhất. Nếu thế thì sẽ dẫn đến biến động lớn. Nhưng nếu nhà nước dùng tiền của mình để tái phát động công ăn việc làm và hỗ trợ văn hóa, như nước Đức đã làm với gói hỗ trợ lên tới mức khó tin là 50 triệu Euro, thì sẽ có thể củng cố được lòng tin và nền kinh tế quốc dân, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi hy vọng điều đó diễn ra song hành với sự thấu hiểu rằng ngân sách công không thể được dùng làm vật hy sinh trên bàn thờ của lợi nhuận nữa.

CÁI GÌ KHIẾN BÀ HY VỌNG?

Đại dịch này là màn duyệt trước cho những gì có thể còn xảy ra trong tương lai, khi các loại virus còn nguy hiểm hơn nữa xuất hiện và sự biến đổi khí hậu làm cho thế giới thành nơi khó sống. Tôi nghĩ là mỗi người chúng ta cần hiểu tình cảnh này như một màn duyệt trước, như một viễn cảnh còn tệ hại hơn nhiều. Trái với một số dự đoán về sự tái phục hồi của chủ nghĩa dân tộc và các đường biên giới, tôi tin rằng chỉ một phản ứng quốc tế được điều phối mới có thể giúp khắc phục những rủi ro và nguy cơ mới ấy. Thế giới này phụ thuộc lẫn nhau, đó là điều không thể đảo ngược, và chỉ một phản ứng kiểu ấy mới có thể giúp chúng ta chế ngự được cuộc khủng hoảng tiếp theo. Chúng ta sẽ cần một dạng thức mới trong điều phối và hợp tác quốc tế để trong tương lai có thể ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm giữa súc vật và người, để nghiên cứu các chứng bệnh và đạt tới các cách tân trong lĩnh vực trang bị y tế và dược phẩm. Và trước tiên cần làm sao để núi của cải khổng lồ được tích trữ trong các cơ sở tư nhân được tái đầu tư vào các lợi ích công. Tôi nghĩ rằng các thế hệ chịu tác động của virus corona - lớp tuổi trẻ từng tận mắt chứng kiến và đích thân trải nghiệm như thế nào là sự sụp đổ tiềm năng của thế giới - sẽ biết là họ phải để mắt quan sát thế giới tốt hơn. Nếu họ không làm thế thì sẽ không còn lợi ích công hay tư nào nữa để mà bảo vệ. Thế giới sẽ trở nên xấu xí và tàn bạo, hệt như triết gia Thomas Hobbes từng nói về Trạng thái tự nhiên của con người.