Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Munich
Georg Seeßlen, Nhà báo

Von Georg Seeßlen

Portraitbild von Georg Seeßlen; er hat einen weißen Bart, trägt eine Brille und einen beigen Hut © Georg Seeßlen
TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN ÔNG VÀ ĐẤT NƯỚC ÔNG?

Có một thành ngữ là “bị ném ngược lại chỗ chính mình“, và nó đi kèm với một số liên tưởng sau: hình ảnh ngọn Tháp Hölderlin trong khung cảnh có vẻ rất nên thơ. Một khách sạn ở Basel, ngày xưa vốn là một trại giam, thử dùng cách tái tạo công năng lịch sử ấy để mua vui cho khách. Cảm giác về một sự trống vắng nặng trĩu, khi người ta bị ai đó ruồng bỏ. Ký ức về những tour đi thuyền hồi trẻ, khi người ta bám theo một ý tưởng điên rồ là một mình cắt ngang đoạn sông có nhiều tàu bè xuôi ngược. Những khoảnh khắc mà vẻ cao quý và sự u tối khó mà phân biệt được. Một mình. Cô đơn. Cách ly. Và giữa chúng còn nhiều thứ nữa.
 
Cái sót lại, ở đây do ảnh hưởng nghề nghiệp, là một “núi“ sách, ảnh và phim. Còn có các dạng khác nữa của ký ức, kho lưu trữ, trí tưởng tượng và giấc mơ. Nhưng chúng hiển hiện rõ rệt nhất ở dạng hòn đảo giữa một biển mênh mông những thông tin và hình ảnh. Hiếm khi ở trong tình trạng cách ly như thế này để chúng dường như có họ hàng với những bóng đen trong truyện ngụ ngôn về hang đá của Platon. Tựa như người ta phải quay lại hang đá với các bóng đen mà Socrates gọi là trở về nỗi khổ ải của nhân gian. Nhưng dù thế nào thì vẫn là một sự trở về. Về điểm trước khi nhân cách được PHÁT TRIỂN.
 
Hoàn toàn chính xác. Quay về hang đá là người ta bị đẩy lùi lại, và chừng nào người ta còn được phép đợi lần phát triển mới thì đó chưa phải là nỗi khổ ải. Nhưng người ta còn bao nhiêu sức lực để chờ đợi? Và tính nóng vội có sức mạnh gì? Đó là những thứ tôi giấu kín đằng sau thói quen, kỷ luật, nghĩa vụ hoặc khả năng (trong gia đình và trong tư duy).

Sách báo, âm nhạc và hình ảnh - mà lâu nay ta định để tâm “đi sâu nghiên cứu“ nhưng chỉ thiếu thời gian nên chưa làm - tất cả đều bàn dĩ vãng. Chúng chỉ “tốt“ khi người ta hoàn toàn tự nguyện sử dụng chúng, nếu rảnh. Hoặc nếu có cảm hứng. Nhưng trong chuyến đi ngơ ngác vòng vèo này thì chỉ nghe tiếng còi rú lên. Chết trong nhẫn nhục, chết trong suy sụp, chết trong khủng hoảng.
 
Người ta chỉ có thể vui sướng nhìn về dĩ vãng, khi có sơ sở đặt hy vọng vào tương lai. Nếu tất cả chỉ là hiện tại thì văn hoá cũng chẳng giúp được gì.
 
Thời nay con người liên kết với nhau thực ra chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông và kỹ thuật số, đúng không? Chúng ta bị cách ly, nhưng không bao giờ cô đơn. Khả năng để người khác liên lạc được với mình là quá lớn. Nếu không muốn ai tìm được mình thì người ta phải có ý chí chặn khả năng đó. Đó là, nếu người ta muốn, một sự kiện mới, mang tính tiên nghiệm: cách ly mà vẫn hoàn toàn để người khác liên lạc được với mình, không ai thấy mình nhưng ai cũng thấy rõ mình, ở một mình mà vẫn hoàn toàn bị giám sát.
 
Người ta có một phương tiện đặc thù, không chỉ vì nhà báo và người kết nối thuộc về nhóm người chịu nguy hiểm và đôi khi là người hùng, mà cũng vì chẳng còn nhiều lựa chọn nào ngoài “tán nhảm“.
 
Khoảnh khắc ngừng nghỉ (là lúc tự do thực sự duy nhất) chỉ có thể sinh ra giữa các hành động. Khi người ta đã về nơi chính mình, nào biết có lại bứt đi được không. Vì khi thế giới biến mất thì bản thân mình cũng phi thực. Như chúng ta căm ghét đám nghệ sĩ, nhà lập pháp, nhà khoa học, nhà phê bình, giáo viên, những người dùng câu chữ ném chúng ta ngược trở lại chỗ chính mình.
 
Mỗi người là Robinson của chính mình? Ồ không! Ở đây không tua nhanh cuốn phim về lịch sử nền văn minh và lịch sử thuộc địa. Mà ta chính là một cấu phần của một thí nghiệm; sự sợ hãi của những người làm thí nghiệm ngấm sang mô hình của chúng ta như sự bàng quan của họ. Và nếu họ không hề có thật thì sao? Nếu họ đã chuồn mất - như các vị thần ngày xưa, để họ trám chỗ các vị thần?

Lạ lùng khi nghe những người làm việc ở nhà (home office) than phiền về tình cảnh mới này (không kể đến các vấn đề tổ chức cuộc sống thường nhật): họ thấy thiếu sự “khen thưởng“. Rõ ràng không thể thay thế sự khen thưởng đó bằng lời động viên điện tử mà thôi, sự khen thưởng cần tiền đề là ánh mắt, giao tiếp, chia sẻ không gian.
 
Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một tương lai mà các hành tinh của chúng ta bị hủy hoại đến mức không thể tự do dịch chuyển và gặp gỡ được nữa. Người ta chỉ có thể giao tiếp qua các phương tiện truyền thông điện tử (quần áo bảo hộ thậm chí còn chia cách các thành viên gia đình): Có phải đó là một màn duyệt trước, để đoán biết cái gì sẽ xảy ra? Hay là một kiểu hư cấu khoa học và thực tế để nói ra một lời cảnh báo gay gắt?
 
Con người bị ném ngược về chỗ chính mình thì chịu một lời nguyền; có thể như Othello và Vua Lear, trái với người đi quá chỗ của chính mình (ngay cả khi đó không phải là người đã được cứu rỗi): nhưng ở đây ta nói đến người tư duy vượt quá được chỗ của chính mình, như Bloch từng nói đến. Khi bị cách ly ở nhà, liệu người ta có thể tư duy vượt quá chỗ của chính mình?

ĐẠI DỊCH SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI RA SAO? ÔNG NHẬN THẤY HỆ QUẢ DÀI HẠN NÀO CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG?

Cuộc khủng hoảng không thể kéo dài mãi được, vì nếu thế nó không phải là khủng hoảng, mà là dấu chấm hết. Khủng hoảng là một sự gián đoạn, rồi ta sẽ thấy liệu nó có phải là một sự đứt gãy. Trong cuộc khủng hoảng có nhiều lực khác nhau được vận hành; khủng hoảng là một chu kỳ mà trong đó một mặt có vài khả năng hành động bị hạn chế hoặc thậm chí hoàn toàn bị ngăn chặn, nhưng mặt khác sẽ có một số khả năng được mở rộng. Tức là hoàn toàn không chỉ có nạn nhân, người hùng, kẻ ác, người thua cuộc và người hưởng lợi; giống như biên giới đạo đức, mà cả biên giới chính trị cũng chuyển động. Khủng hoảng đồng thời là cả hai: vừa làm gián đoạn lịch sử lại vừa tăng tốc cho lịch sử. Lịch sử được tạo ra giữa khủng hoảng và cũng được giấu trong lòng khủng hoảng. Nghĩa là: Quyền lực và giàu có, sở hữu và thống trị sẽ mất đi và sẽ hình thành, được bảo vệ và bị lấy mất, được chia sẻ và bị huỷ hoại, được tích luỹ và củng cố và hợp pháp hoá mới.
 
Ba định lý sẽ bùng ra, chống lại sự mù quáng mà dường như biện pháp cách ly cần có: định lý đầu tiên tôi gọi là Khủng hoảng kiểu búp bê lồng nhau. Có một khủng hoảng nằm trong khủng hoảng nằm trong khủng hoảng... cho đến khủng hoảng trong cùng mà ta sẽ hiểu ra là “hạt nhân“. Khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng người tị nạn, khủng hoảng dân chủ, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng quốc gia thất bại, khủng hoảng đồng Euro, khủng hoảng báo chí, khủng hoảng của thuyết Duy ngôn trung tâm, ngay một cuộc đời bình thường cũng là một chuỗi trải nghiệm khủng hoảng nối tiếp nhau.
 
Có lẽ ta gọi khủng hoảng thứ hai là “Lý thuyết về thời tăm tối“. Thời tăm tối đó có bảy nguyên tố cơ bản sau:
  1. Sự sụp đổ của các hệ thống trật tự và chính thống hoá, các “chuyện kể“ lớn và vừa.
  2. Các khu vực, nơi chiến tranh và nội chiến đã trở thành trạng thái kéo dài; người cầm quyền (tạm thời và ở địa phương) ở đây là các ông trùm, kẻ cướp, giáo chủ tà đạo và mọi hình thái kết hợp
  3. Tình trạng cực khổ gắn liền với các các luồng di dân bị cưỡng bức, di trú, tị nạn
  4. Sự bùng nổ của các học thuyết về hạnh phúc và cứu rỗi, thuyết âm mưu, các tín ngưỡng và văn hóa giáo điều - vũ trang, các chủ nghĩa cơ yếu và hoang tưởng
  5. Biện pháp cách ly cá nhân riêng lẻ “kiểu gì cũng sống được“ (sinh ta cực nhiều phản- anh- hùng“)
  6. Mối đe doạ từ thảm họa sinh thái toàn diện (mùa đông khắc nghiệt, hạn hán nặng) dẫn đến mất mùa, nạn đói, cướp bóc, từ đó sinh ra áp lực di trú mới
  7. Chứng bệnh khủng khiếp được coi là một thử thách, một thử thách của Chúa trời đối với loài người. 
Cuộc khủng hoảng mang tên corona là sự kết nối tất cả các cuộc khủng hoảng khác, đồng thời có vẻ như nó lấn át tất cả. Nó bắt buộc ta xét lại các hệ thống mà ta đang sống trong đó. Hệ thống y tế. Hệt thống kinh tế. Hệ thống chính trị. Hệ thống tri thức. Hệ thống nhà ở, chuyển động, giải trí. Hệ thống thuế má và sự công bằng của các loại thuế. Các hệ thống của quyền lực. Và đồng thời chúng ta bắt buộc phải xét lại các giá trị của mình. Liệu thành công có quan trọng hơn đoàn kết? Liệu giãn cách có phải là một công năng của quyền lực? Người ta có thể hy sinh bao nhiêu tự do, và ai bảo đảm là nó sẽ được trả lại?
 
Có thể có một định lý thứ ba nữa, lấy xuất phát điểm là quyền lực sẽ biến đổi trong khủng hoảng. Người ta vẫn nói rằng mỗi cuộc khủng hoảng cũng ẩn chứa nhiều cơ may để cải tổ theo hướng tốt lên. Một mặt, người ta hy vọng một số nhân vật dân tuý chuyên quyền sẽ rớt mặt nạ, để lộ bộ mặt thật trong khủng hoảng; còn mặt khác là kẻ chuyên quyền phản dân chủ sẽ tận dụng khủng hoảng để củng cố quyền lực của mình. Về ý thứ hai thì ta đã biết một số ví dụ, nhưng về ý “rớt mặt nạ“ hay dân chủ hóa thì ta ít biết ví dụ hơn. Hy vọng là trong khủng hoảng đa số có thể hiểu rõ hơn các tính chất huỷ hoại của chủ nghĩa tự do mới, và đòi hỏi một chủ nghĩa xã hội dân chủ hay tối thiểu một dạng mới của kinh tế thị trường mang tính xã hội. Đồng thời ta thấy những kẻ có quyền lực kinh tế trơ tráo kiếm tiền cả trong cuộc khủng hoảng, và sự trơ tráo đó minh họa rõ nét bản chất của chúng. Liệu có thể hình dung ra một khối liên kết mới giữa các chính phủ và người dân trên cơ sở tín nhiệm (tức lý trí cộng đạo đức), hay rốt cục tình trạng ngoại lệ đã biến hẳn thành hình thức thống trị?

CÁI GÌ KHIẾN ÔNG HY VỌNG?

Và thế là ta đã có một cái nhìn tổng thể. Chỉ chủ thể nào có tư duy suy xét và phê phán mới có thể tự giải phóng mình khỏi sự cách ly vốn dĩ hàm chứa cả ba yếu tố: khủng hoảng về tiểu sử bản thân, khủng hoảng về văn hoá, và khủng hoảng về chính trị. Ít nhất thì trong cuộc khủng hoảng có một điều trở nên rõ rệt: đường biên tách bạch giữa không gian công cộng và riêng tư, giữa không gian chính trị và tiểu sử cá nhân không chỉ là hệ quả của pháp luật và thói quen mà thôi. Người bị cách ly chỉ có thể tự giải phóng bằng cách tiến hành thay đổi thế giới ngay trong cách ly. Không thì một ngày nào đó người ấy lại bước chân ra khỏi hang động và nhận thấy thế giới trước cửa hang còn khó sống hơn thế giới ngày xưa.