Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

New Delhi
Amar Kanwar, nghệ sĩ và nhà làm phim

Von Amar Kanwar

Amar Kanwar © Amar Kanwar Khi mỗi khoảnh khắc hàm chứa khả năng có thể được sống hay bị chết, liệu có phải nhận thức mạnh mẽ hơn về mỗi khoảnh khắc cũng dẫn đến một ý thức mạnh mẽ hơn về sống hay chết?

Virus này gây ra chính tác động đó. Một sát thủ vô danh và tàng hình, có thể giết người hoặc không, đột ngột khiến ta có ý thức quá rõ ràng về một thực tế là chúng ta đang sống, về khả năng có thể được sống hay khả năng có thể bị chết. Biện pháp bắt buộc cấm túc đã ngăn được cảm giác sợ hãi mơ hồ, thay vào đó đã đưa đến thực tế là chúng ta chờ đợi một thời gian dài trong tình trạng nhận thức gia tăng.

Nhìn chung, nỗi sợ trước cái chết có lẽ là một trong những nỗi sợ lâu đời nhất. Nỗ lực đi tìm một loại thuốc chữa trị dài hạn hay tạm thời cũng là một trong những nỗ lực lâu đời nhất. Đôi khi cuộc tìm kiếm thành công và cái chết được trì hoãn. Ở đây có một liều thuốc hữu hiệu chống lại nỗi sợ, đó là cứ q0uên đi rằng chúng ta rồi ai cũng chết. Thông thường lúc đó nỗi sợ sẽ biến mất. Và ngay cả khi chúng ta hy vọng một cách mạnh mẽ và ngoan cường thì nỗi sợ cũng nhỏ đi. Một số người thường xuyên cầu nguyện hoặc tiến hành những hành vi có ý thức để tích nghiệp, một số người lẩn tránh, một số người ăn ít đi, vân vân. Những người khác làm những điều mà nhờ chúng họ thấy tự nhận thấy mình bất khả chiến bại. Nhận thức kiểu ấy càng mạnh thì sự tự lừa dối bản thân càng mạnh và càng dễ quên nỗi sợ chết hơn. Nhưng đột nhiên coronavirus xáo trộn tất cả những chiến lược ấy. Nó có thể bay hạng thương gia, có thể lây lan trong khu ổ chuột và có thể kiên nhẫn ngồi đợi trên bưu kiện được đưa tới trước cửa nhà bạn.
 
Từ xưa đến nay có một phương pháp được thử thách để đối phó với cái chết tự nhiên, đó là chấp nhận cái chết một cách trang trọng và đặt sự chấp nhận ấy cao hơn nỗi sợ. Có thể nên coi điều đó như người già và người yếu nhường chỗ cho người trẻ hơn và người khoẻ hơn. Dạng đầu hàng ấy làm giảm thiểu cảm giác sợ hãi, tăng lòng hàm ơn đã được sống, và theo một cách huyền bí nó đem cho mọi hành động một ý nghĩa trọng đại hơn. Tuy nhiên nếu người ta lấy cái chết phi tự nhiên hoặc chết do bị sát hại làm xuất phát điểm thì câu chuyện sẽ không hẳn đơn giản như vậy nữa. Giờ thì ta không xét đến chuyện thảm sát hàng loạt chim muông, thú vật và côn trùng, mà chỉ bàn đến lĩnh vực con người. Ví dụ: Người ta nên phản ứng ra sao với thực tế là mỗi năm ở Ấn Độ có khoảng 150.000 người chết vì tai nạn giao thông và mặc dù vậy không có phản ứng khủng hoảng ở tầm quốc gia với biện pháp chặn tuyệt đối mọi hoạt động giao thông? Cũng lại khó hiểu, trong thập kỷ gần đây nhất có khoảng 200.000 vụ tự sát trong tầng lớp nông dân, chưa kể một cơ số không lọt vào thống kê rất có thể còn cao hơn nhiều. Nhưng thực tế là 200.000 nông dân Ấn Độ đã tự tử. Quy mô và ý nghĩa của thực tế ấy rất khó lý giải. Nhiều quốc gia đã tiến hành chiến tranh với nhau chỉ với 10% số người chết nói trên, nhưng chúng ta không sao ngăn nổi cái chết hàng loạt mang tính bất lực và “tự nguyện“. Không hề có chặn đường toàn quốc. Không hề cấm tất cả các công ty khổng lồ sản xuất hạt giống, phân bón và trừ sâu tham lam bán ra hoá chất độc hại. Không có đèn được thắp lên, không có hòa nhạc ngoài bao lơn, cũng không có hai phút mặc niệm trong quốc hội. Không giảm thiểu cơ bản các khoản chi cho súng đạn, không có các biện pháp quyết liệt và toàn diện nhằm tăng cường hệ thống y tế công cho người nghèo hoặc cải thiện tình trạng dinh dưỡng hay miễn dịch cho tất cả.

Dường như sự ngạo mạn của con người không cho phép bàn luận. Các minh chứng, thực tế, dữ liệu hay xu hướng về huỷ hoại hay kỳ thị trên thế giới này đều vô dụng. Thậm chí một lời kêu gọi tâm huyết về thảm họa trong hệ thống sinh thái và quần thể cũng chẳng thay đổi được chút gì. Một số người trơ tráo cả quyết rằng sự ngạo mạn là cách hành xử tiêu chuẩn của những người hoang mang và do đó tất cả chúng ta bị nhận bản án là phải sống chung (hay chết chung) với lũ. Những người khác thông thái chỉ ra rằng chính những người ái kỷ mới có thể tự chữa cho mình căn bệnh ái kỷ, và do đó sự thanh tẩy bản ngã nội tâm là con đường duy nhất để tiến lên phía trước. Các mục sư thì thào: đó là ý Chúa, hãy ăn năn và cầu xin tha tội. Bọn phát xít tận dụng cơ hội và cả quyết rằng nỗi sợ là mảnh đất lý tưởng để phát triển tối đa biện pháp giám sát, kiểm tra và quyền lực, và lúc này là thời điểm lý tưởng tận diệt bền vững kẻ thù, những kẻ không được hoan nghênh và bị tẩy chay. Giới kỹ trị đòi bước đột phá gần nhất có thể để chấm dứt một cách kịch tính mọi xấu xa và giải quyết vấn đề bằng liều vaccine. Những người nhân đức bổ sung thêm, thuốc chích ngừa nên miễn phí. Lời sấm truyền rằng con virus sắp tới là tia phóng xạ, cũng giết người, nhưng giết hiệu quả hơn.

Có thể người theo chủ nghĩa không tưởng sẽ nói, đây là thời điểm để ý thức sâu sắc được sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi sinh vật, sự mong manh của cuộc sống và sự không thể tránh khỏi của cái chết. Có thể họ sẽ đòi đình chỉ tuyệt đối mọi chiến sự, mọi hình thức chiến tranh, bạo lực và hành vi phá huỷ hệ thống sinh thái. Nếu được, họ sẽ kêu gọi lập ra phong trào quần chúng ở mọi cơ sở giáo dục, kêu gọi bất tuân dân sự trên toàn hành tinh – không để chống lại một cá nhân nhất định, một chính đảng nhất định hay một chính phủ nhất định, mà chống lại lòng tham, tiêu dùng thái quá và bản chất logic của gia tăng lợi nhuận vô biên mang tính tự huỷ hoại mình của các hệ thống kinh tế. Có thể họ đòi một chính trường khả dĩ đả phá mọi cơ cấu quyền lực mang tính phụ hệ và kỳ thị. Thậm chí có thể họ đánh lại chính mình; chống lại các trường học tinh hoa và các thang giá trị rối mù của mình, và đòi phân chia công bằng sự phồn vinh và tài nguyên, cũng như sẽ cải tổ rốt ráo chính trị công. Vâng, thậm chí họ còn có thể muốn chặn lại cả ngành công nghiệp vũ khí, chặn trò sản xuất và bán bom. Có thể họ sẽ kêu gọi giành lại sự thông thái của cộng đồng. Và nếu không ai nghe, có thể họ sẽ ra đường tìm những người hay nhóm có tinh thần đoàn kết ở ngay địa phương, tạo ra các khối đồng minh nhỏ và thay đổi cách hành xử của họ đối với mỗi con vật, mỗi đứa trẻ, mỗi đàn ông và mỗi đàn bà mà họ bắt gặp. Nếu việc đó cũng bất khả thi thì họ gìn giữ cảm xúc đó của mình trong tim và rời bỏ cuộc chạy đua ngay khi có thể.

Thật khó sống yên tĩnh trong không gian cách ly. Hơn nữa, tôi không muốn chết một mình trong chỗ cách ly hay trong nhà thương. Đọc về nỗi đau của chừng ấy người, về những người chết trong cô đơn và không được phép gặp bạn bè và thân quyến trong những ngày cuối đời khiến mọi cảm xúc về không khí ấm áp và an lành bị hủy hoại. Ngày nào các suy tư của tôi cũng bay đến nơi trú ngụ của những người bị nguy hại hoặc đói hoặc ốm đau hoặc bị giam cầm. Bằng một cách rất lạ, chúng ta được kết nối với nhau mấy hôm, vượt qua nhiều đường biên giới, và chúng ta được hình dung ra và được cảm nhậnnỗi đau của những người khác. Nếu đây là thời của đại dịch toàn cầu thì cũng có thể là thời để chúng ta đến với nhau và nhìn nhau như những cấu thành đồng giá trị của một hệ thống sinh tồn thống nhất.