Thư viện giữa truyền thống và tiến bộ
Giữ gìn và chuyển động
Từ trước đến nay thư viện vốn dĩ tạo điều kiện cho người sử dụng thư viện tiếp cận kho tàng ký ức văn hóa và tri thức của thời đại. Số hóa cũng không hề thay đổi điều đó, nhưng làm thay đổi phương thức truyền đạt tri thức.
Von Leonard Novy
Thư viện luôn phản ánh các xã hội mà thư viện phục vụ, nên hình ảnh của thư viện đã thay đổi đáng kể trong tiến trình lịch sử. Tuy vậy trung tâm luôn luôn là phương tiện truyền thông sách và kỹ thuật văn hóa đọc – cho dù trong những phòng đọc từ lịch sử cổ xưa được thiết kế hoành tráng hay trong những thư viện thành phố của thể chế cộng hòa liên bang được thiết kế thiên về công năng. Ban quản lý thư viện quyết định chọn lựa những thông tin nhất định cho bộ sưu tập của thư viện và cung cấp những thông tin đó cho người sử dụng thư viện. Tuy nhiên Internet làm cho thư viện với chức năng „Cánh cổng dẫn đến tri thức của thế giới“ ngày càng trở nên không cần thiết.
HOA TIÊU TRONG BIỂN DỮ LIỆU SỐ
Thay cho chức năng „Nơi cho mượn sách“, thư viện được đòi hỏi phải là hoa tiêu. Thư viện dẫn dắt trong một thế giới số, mà trong đó các thuật toán có chức năng như những người canh giữ các luồng, lạch trong kho tàng kinh nghiệm của thế giới chúng ta. Vì thế tính minh bạch, sự chia sẻ và việc tự quyết định bằng kỹ thuật số hoàn toàn không phải là những điều đương nhiên – mà còn ngược lại. Và như thế ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ý kiến là bất bình đẳng số không chỉ làm tái hồi, mà còn gia tăng bất bình đẳng xã hội – như Nico Koenig thuộc dự án Grassroot P2PU (Peer to Peer University) lý giải. Dự án này tìm hiểu những hình thức mới để truyền đạt tri thức. „Nếu bạn có động cơ, được hỗ trợ, được tiếp cận và có năng lực kỹ thuật số, thì số hóa thực sự đã chuyển toàn bộ một thư viện lên đầu ngón tay bạn“, Koenig nói. „Nhưng nếu bạn không có được những năng lực và hỗ trợ này, bạn sẽ không được hưởng lợi từ số hóa. Thậm chí trong một số trường hợp tri thức còn xa rời khỏi bạn“. Chính đây là chỗ để thư viện vào cuộc – với tư cách là nơi truyền đạt những năng lực cần thiết để bao quát được khối lượng dữ liệu khổng lồ hàng ngày.Jane Kunze ở Aarhus – Đan Mạch tìm hiểu về việc truyền đạt năng lực dữ liệu. Đối với chị thì dữ liệu và sự chọn lọc, lưu giữ và chuyển tiếp dữ liệu luôn luôn là công việc cốt lõi của tất cả các thư viện. Trong thời đại số hóa ngày nay thì một khía cạnh khác là quan trọng: vấn đề đặt ra là hiểu được thông tin được làm ra và phát tán như thế nào, từ những nguồn nào và với những động cơ gì. Đó là một tiền đề cơ bản cho cơ hội chia sẻ nghề nghiệp và xã hội – „như phát hiện một cơ hội kinh doanh mới, đạt thành tích học tập tốt hơn trong nhà trường, nâng cao nhận thức đối với những vấn đề của địa phương v.v.".
TRUYỀN ĐẠT TRI THỨC BẰNG NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÁC
Có lẽ không có một thư viện nào khác chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ những thực tế phát triển của công nghệ và những chờ mong của xã hội như nơi làm việc của Jane Kunze – Dokk1 tại thành phố cảng Aarhus ở Đan Mạch. Thư viện khai trương năm 2015 và nhanh chóng được quốc tế coi là một cơ sở tiên phong cho một nhận thức mới về thư viện. Thực ra thư viện công cộng lớn nhất vùng Scandinavia này còn nhiều hơn thế, vì có thể sử dụng thư viện này như một trung tâm của văn hóa, người dân và tri thức. Và công trình với kiến trúc viễn tưởng và công năng từ bêtông, kính và gỗ này đã phá vỡ rõ rệt không chỉ những chuẩn mực cổ điển thông thường về mỹ học.Một mục tiêu trọng tâm là tạo cho người trẻ và người cao tuổi khả năng giao tiếp trong một môi trường truyền thông liên tục thay đổi. Ví dụ như Jane Kunze đã xây dựng những hình thức học tập mới tạo điều kiện cho mọi người phân tích, kiến tạo dữ liệu và kể những câu chuyện bằng cách đó. Theo Jane Kunze thì trong quá trình thu thập dữ liệu thường nhật của nhiều người, dữ liệu được đưa vào „Hộp đen“ và lại được lấy ra dưới dạng „thông tin“ như Newsfeed trong Facebook, kết quả tìm kiếm trên Google hoặc dưới dạng trực quan hóa dữ liệu“. Nhiệm vụ của các thư viện là mở hộp đen này ra. Kết thúc quá trình này người sử dụng phải hiểu được, thông tin được tạo ra như thế nào từ các thuật toán và trí tuệ nhân tạo.
Chính vì thế nên ở Dokk1 sách thông thường chỉ còn là một dịch vụ trong nhiều dịch vụ khác nhau. Trong tòa nhà ngay bên bến cảng này còn có đủ chỗ rộng rãi cho các cuộc giao lưu, trò chơi và các loại hình hoạt động khác nữa. Có thể học các kỹ năng thực hành trong các „Makerspaces“. Đó là các không gian cho hoạt động sáng tạo và cho đến nay cũng đã xuất hiện trong nhiều thư viện ở Đức. Từ kỹ năng nghề thủ công đến công nghệ cao: tại đây các dự án cộng đồng sẽ được xây dựng, thử nghiệm và qua đó bổ sung, tăng cường những bí quyết, kỹ năng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong một thế giới của cuộc sống và nghề nghiệp đang ngày càng được số hóa manh mẽ hơn.
CHỨC NĂNG XÃ HỘI CỦA HỌC TẬP
Việc tập trung vào các hình thức giảng dạy và học tập tập thể trong thư viện được Nico Koenig từ dự án P2PU hiểu là „Trong trường hợp tốt nhất thì học tập là một hoạt động xã hội“. Trên thực tế thì phần lớn tri thức của mình chúng ta đã tiếp thu được trong các tình huống xã hội hoặc khi sử dụng trong những tình huống đó. Vì thế quan trọng hơn cả là phải hiểu thư viện là nơi „có thể xây dựng được những quan hệ xã hội“.Trên quốc tế Dkk1 được coi là đi tiên phong và là tấm gương, nhưng cũng có những người phê phán. Một chỉ trích được đưa ra là việc „sự kiện hóa“. Thêm vào đó là nỗi lo lắng là cho dù có được tất cả những điều tích cực đó thì một chút gì đó cũng sẽ mất đi. Nhưng sự cởi mở với cái mới và ý thức đối với các giá trị truyền thống không phải loại bỏ nhau. Jane Kunze nói „Tất nhiên nhu cầu của người dân là rất khác nhau.“ Không phải ai cũng phải trở thành „nhà phân tích dữ liệu“. „Nhưng định hướng của ngành thư viện công cộng vốn vẫn là không bắt buộc, mà tạo điều kiện để tiếp cận một cách tự do, dân chủ và bình đẳng“.
Dokk1 không phù hợp là mẫu hình để kiến tạo mới thư viện, vì nó nhằm chính xác vào những nhu cầu riêng của những người hiện nay đang sử dụng thư viện này. Ngay từ khi bắt đầu lập phương án họ đã được mời tham gia, được đưa ý tưởng, kỳ vọng và kinh nghiệm của họ vào quá trình thiết kế. Chính quá trình này đã làm Dokk1 trở thành một ví dụ điển hình cho sự nhìn nhận về các thư viện phù hợp với thời đại: con người chứ không phải phương tiện là tâm điểm của mọi hoạt động của thư viện.
Các bình luận
Bình luận