Thư viện và xã hội dân sự
Chỉ cứu thế giới một chút thôi
„Không ai chờ mong thư viện cứu thế giới cả, nhưng chúng ta đang có một vị trí tuyệt vời để làm được chính điều đó“ Rebecca T. Miller và Rebekkah Smith Aldrich nói. Trong cuộc phỏng vấn, hai chuyên gia người Mỹ về thư viện giải thích, vì sao việc người ta tin là số hóa làm cho thư viện trở nên vô nghĩa chỉ là chuyện hoang đường.
Nhiều người lo lắng về tương lai của thư viện và sợ là Internet sẽ làm cho thư viện trong diện mạo và hình thức cổ điển của mình sẽ trở nên không cần thiết nữa. Có phải vậy không? Và nếu không, thì vai trò của thư viện thay đổi như thế nào trong một xã hội đang chuyển đổi?
Rebekkah Smith Aldrich: Đối với thư viện thì mục tiêu là con người, chứ không phải là đồ vật. Chúng tôi là cơ sở đào tạo, chúng tôi bảo đảm những khả năng tiếp cận – bất kể bằng những hình thức hoặc chủ đề nào. Việc tiếp cận hàng xóm của chúng ta, tiếp cận các chuyên gia địa phương và các địa điểm đối thoại công cộng sẽ ngày càng quan trọng hơn. Những thư viện hiện đại tốt nhất là những địa điểm sống động, chủ động. Những thư viện đó phản ánh và đưa vào hoạt động của mình chính cộng đồng, mà vì nó thư viện được lập ra. Những thư viện không coi mình là một địa điểm gặp gỡ tại địa phương là những thư viện không quan tâm đến một trong những khía cạnh đầy hy vọng nhất về tương lai của thư viện.
Rebecca T. Miller: Từ khi Internet ra đời những câu chuyện về sự thoái trào của thư viện vẫn tồn tại dai dẳng – nhưng về cơ bản đó là những câu chuyện hoang đường. Trên thực tế vị thế của thư viện là tương đối ổn định. Chỉ những phương tiện ngày nay thư viện có thể sử dụng được – chúng bổ sung cho bộ sưu tập sách và dân chủ hóa một cách đột biến những khả năng tiếp cận – đã trở nên đa dạng hơn, chắc chắn hơn và hấp dẫn hơn. Ngoài ra những phương tiện đó tạo ra khả năng tiếp cận chưa từng có. Người ta không được phép quên rằng, ở các thành phố của Mỹ chính các thư viện công cộng đã tạo ra cơ hội tiếp cận máy tính và đã tổ chức tập huấn sử dụng kỹ thuật mới. Và các thư viện khoa học đã cung cấp nguồn tài nguyên cho Google Books. Sẽ là sai lầm, nếu coi thư viện là đối thủ của kỹ thuật, vì thực ra cả hai, thư viện và kỹ thuật, tay trong tay cùng tiến.
Các vị lý giải rằng, không ai mong đợi thư viện sẽ cứu thế giới, nhưng thư viện đang có một vị trí tuyệt vời để làm được chính điều đó. Các vị muốn nói lên điều gì với nhận định đó?
Miller: Tôi không còn nhớ được, ai đó đã nói với tôi bao nhiều lần, là thư viện đã cứu cuộc đời hoặc tạo dấu ấn lên cuộc đời hay đã giúp người đó tự tìm thấy chính mính. Đó là những kinh nghiệm riêng của từng người. Nếu người ta nghĩ đến việc, thư viện luôn hiện diện và quan trọng như thế nào đối với sự an khang, thịnh vượng của một cộng đồng mà thư viện phục vụ, người ta sẽ nhận thức được là thư viện có thể có ảnh hưởng như thế nào, nếu thư viện quyết tâm giúp đỡ cộng đồng nêu bật một vấn đề cấp thiết, ví dụ như biến đổi khí hậu.
Smith Aldrich: Chúng ta chỉ cần nghĩ rằng, thế giới của chúng ta ngày nay dễ tổn thương như thế nào. Trong mỗi lĩnh vực – chính trị, kỹ thuật, môi trường hay xã hội – chúng ta đều đang vật lộn với những thay đổi. Những thay đổi này đem lại những cơ hội và cả những thách thức mới, tùy theo vị thế kinh tế xã hội trong cộng đồng. Sự gắn kết xã hội là yếu tố quyết định cho sự an khang, thịnh vượng của một cộng đồng trong những thập niên tới – không phụ thuộc vào những thay đổi cộng đồng đó phải đối mặt – và thư viện rất phù hợp với việc tăng cường sự gắn kết xã hội ngay tại địa phương. Chúng ta có thể đi sâu vào các chủ đề của địa phương, chúng ta có thể giúp đỡ đưa con người xích lại với nhau, khích lệ các bên hàng xóm công nhận và tôn trọng tính đa văn hóa và qua đó góp phần làm cho tất cả đều được lắng nghe. Bốn yếu tố này đã được Hội đồng khí hậu thế giới của Liên hiệp quốc đánh giá là có tính chất quyết định cho sự tồn tại của chúng ta trong những năm tới.
Là thư viện, chúng ta phải kết nối một cách thực sự và có ý nghĩa với cuộc sống của những người chúng ta phục vụ.
Rebekkah Smith Aldrich
Miller: Thư viện đã luôn góp phần chuẩn bị cho những người sử dụng thư viện và địa phương sở tại trên con đường tới tương lai. Trước chúng ta là một tương lai đang bị một vấn đề to lớn, phức hợp đe dọa – sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tôi tin rằng, với tư cách là một mạng lưới các cơ sở trên toàn cầu có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông tin, thư viện có thể là chất xúc tác cho một phong trào đáng được coi trọng để tạo ra một xã hội bền vững, nếu thư viện định hướng công việc của mình tới mục tiêu này.
Smith Aldrich: Là thư viện, chúng ta phải kết nối một cách thực sự và có ý nghĩa với những người chúng ta phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta hiểu được giá trị của những nền móng của cuộc sống, điều đó có nghĩa là chúng ta ý thức được môi trường rộng lớn của chúng ta. Một thư viện phải thể hiện được mong muốn phục vụ mọi người. Chúng ta sẽ không có ý nghĩa, nếu chúng ta không hiểu được, điều gì đang làm mọi người suy nghĩ hoặc họ sẽ phải đối mặt với gì trong tương lai. Nếu chúng ta thực sự muốn nói với người sử dụng thư viện là chúng ta rất tâm huyết với sự an khang, thịnh vượng của họ, chúng ta là một cơ sở xứng đáng để họ tin cậy và chúng ta sử dụng một cách thận trọng tiền đóng thuế của họ, thì các thư viện của chúng ta phải có một mong muốn tâm huyết là nỗ lực cho sự bền vững sinh thái. Nếu chúng ta vô tâm sử dựng tài nguyên thiên nhiên, nếu chúng ta xử lý một cách vô trách nhiệm những vật dụng không còn cần thiết nữa, nếu chúng ta không giải thích được cho những người khác tác động của những hành động của chúng ta đối với thiên nhiên, thì vài thập niên nữa thôi chúng ta sẽ chỉ còn có thể hạn chế được thiệt hại. Chúng tôi quan tâm trước hết đến việc giúp đỡ được ngày càng nhiều hơn người dân trong khi giải quyết những vấn đề có thể thấy trước được hoặc những sự việc, mà lẽ ra chúng ta đã phải chuẩn bị ứng phó từ trước.
Cả hai vị đều tham gia sáng kiến bền vững của Hiệp hội thư viện New York. Mục tiêu của sáng kiến là gì?
Miller: Sáng kiến này muốn tạo cho các thư viện có khả năng hướng sự chú ý đến biến đối khí hậu và thúc đẩy địa phương về chủ đề này. Cụ thể là sáng kiến tập trung vào việc hình thành ý thức và trao cho các thủ thư cũng như các cơ sở thư viện những phương tiện có thể sử dụng được để thực hiện nhiệm vụ này – bằng cách trong cơ quan định hướng đến bền vững và ở bên ngoài nêu hành động bền vững của địa phương làm ví dụ. Vì thế chúng tôi đã cho ra đời chương trình cấp chứng chỉ bền vững, như một kim chỉ nam cho các thư viện để định hướng khi đề cập đến những khủng hoảng môi trường mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Như mới đây chúng tôi báo cáo trên Tạp chí thư viện, thư viện Hendrick Hudson Free Library ở Montrose, New York – một trong những thư viện đầu tiên được cấp chứng chỉ – đã lắp đặt 289 tấm pin mặt trời trên mái phần nhà mới xây thêm. Thư viện thông báo về lượng điện năng được sản xuất theo cách đó trong tòa nhà của thư viện, để khách đến thư viện hiểu được ý nghĩa của những biện pháp như vậy.
Thư viện phải tham gia vào các cuộc trao đổi về các kế hoạch tương lai của địa phương mình và giúp địa phương đạt được những mục tiêu đề ra.
Rebecca T. Miller
Miller: Họ phải làm cho mọi người hiểu được, thư viện của họ cung cấp cái gì và qua đó có ảnh hưởng gì lên con người và địa phương, nơi thư viện phục vụ. Và họ phải lập những quan hệ đối tác, để làm công việc của họ có trọng lượng hơn. Thư viện phải tham gia vào các cuộc trao đổi về các kế hoạch tương lai của địa phương mình và giúp địa phương đạt được những mục tiêu đề ra.
Aldrich: Từ đáy lòng tôi hoàn toàn ủng hộ nhận định đó. Việc nói lý do tại sao chúng ta làm một điều gì quan trọng hơn nhiều việc nói chúng ta làm gì. Ngoài ra tôi tin rằng, để ban lãnh đạo một thư viện thành công, người ta phải tập trung vào 3 E: Empower, Engage, Energize (tạo năng lực, thu hút tham gia, khích lệ). Ba hoạt động này mô tả, giám đốc thư viện cần phải tiến hành công việc của mình như thế nào, để truyền cảm hứng được cho nhân viên của mình và những người sử dụng thư viện. Tôi đã nhận thấy rằng, nếu chúng ta hướng công việc của mình vào việc tạo năng lực cho người khác, thu hút người khác tham gia và khích lệ người khác, thì đáp lại họ cũng sẽ làm đúng như vậy với thư viện – cách giao tiếp đó với những người khác giải phóng ra một sự trao đổi năng lượng tuyệt vời. Tôi đã nhận thấy rằng, đó là một „gia vị bí mật“ của nhiều thư viện thành công mà tôi đã từng hợp tác.“
Từ khi thành lập dự án, Rebecca T. Miller và Rebekkah Smith Aldrich là thành viên Ban sáng kiến bền vững của Hiệp hội thư viện New York. Bài tham luận của họ tại Hội nghị Next Library® Conference ở Berlin mang tên The Future Won’t Wait: A Library-Led Approach to Sustainability (Tương lai không chờ đợi: Thư viện đi tiên phong vì sự bền vững).
Rebekkah Smith Aldrich | © Rebekkah Smith Aldrich Rebekkah Smith Aldrich là điều phối viên về sự bền vững của thư viện trong hệ thống thư viện Mid-Hudson Library, New York, nơi bà tư vấn cho 66 thư viện công cộng trong các vấn đề điều hành, tài chính và trang bị. Smith Aldrich viết cho tạp chí thư viện về sự bền vững, là đồng chủ tịch Sáng kiến bền vững của Hiệp hội thư viện New York, là thành viên sáng lập Sustainability Round Table (Đối thoại bàn tròn về tính bền vững) của Hiệp hội thư viện Mỹ ALA và là thành viên Ban tư vấn của Center for the Future of Libraries (Trung tâm về tương lai của thư viện) của ALA. Bà được tạp chí thư viện bình chọn là Mover & Shaker (nhân vật có nhiều ảnh hưởng) và đọc tham luận trên khắp cả nước về quá trình tiếp tục phát triển của thư viện. Năm 2018 bà cho ra mắt ấn phẩm mới của mình mang tên Sustainable Thinking: Ensuring Your Library’s Future in an Uncertain World.
Các bình luận
Bình luận