Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Văn học thanh thiếu nhi đương thời
Từ chạy trốn, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự nghèo khổ (phần 2)

Stock-Vektor vonunterschiedlich, kultur, finger
© Colourbox

Von Jana Mikota

Tình hình kinh tế xã hội

Tình trạng kinh tế xã hội của trẻ em đóng một vai trò quan trọng trong văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tuy nhiên cho đến nay nó vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nếu nhìn vào văn học đương thời cho trẻ em và thanh thiếu niên ta sẽ thấy cái nhìn đó chuyển dịch sang sự nghèo khổ. Ví dụ Mirjam Pressler trong tiểu thuyết cho thiếu nhi Những con mèo tháng mười một (1982) đã cho thấy nghèo khổ cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực và sự lạnh nhạt trong gia đình. Trong cuốn tiểu thuyết Ngoài trái đất là ở đâu đó (2012) Susan Oppel-Götz lại khắc hoạ sự tương phản giữa một cậu bé xuất thân từ gia đình nghèo khó và một cậu bé xuất thân từ một gia đình khá giả hơn. Nhà văn đã thể hiện thế giới sống của hai cậu bé theo cách hoàn toàn khác nhau. Kirsten Boie trong cuốn tiểu thuyết Bắt cóc với báo săn (2015) mở rộng cái nhìn tương tự và chỉ ra rằng trẻ em tại các điểm nóng xã hội hoặc trong điều kiện kinh tế xã hội yếu thế không chỉ tiếp xúc với bạo lực, sự đói khát, sự vô cảm mà cũng trải nghiệm những khoảnh khắc hạnh phúc. Mặc dù Kirsten Boie thể hiện các mối quan hệ gia đình rạn nứt, người mẹ thì nghiện rượu còn các ông bố của lũ trẻ thì vắng mặt, ngay cả người bà cũng không hoàn toàn chăm sóc các cháu của mình. Thế nhưng: những đứa trẻ cũng có thể tự chăm sóc bản thân, vượt qua các tình huống nguy cấp và có những khoảnh khắc hài hước đem lại sự nhẹ nhõm. Kirsten Boie không mô tả cuộc sống ở điểm nóng xã hội theo kiểu rập khuôn mà bà có một cái nhìn nhạy cảm về những đứa trẻ sống ở đó và mong cho chúng có được những giây phút hạnh phúc.

Các tiểu thuyết như Bể bơi ngoài trời. Cả một mùa hè dưới bầu trời (2019) và phần tiếp theo Hiệp sau. Nhà Bukowskis thắng cuộc (2020) của Will Gmehling hay các bản dịch như Ở đâu đó luôn là phía Nam (2020) của Marianne Kaurin và Địa chỉ không xác định (2020) của Susin Nielsen lại chọn cách thể hiện khác. Chúng không chỉ đề cập đến sự nghèo khổ mà còn đề cập đến chủ đề vô gia cư là chủ đề cho đến nay ít được thể hiện trong các sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Ví dụ Will Gmehling thuật lại trong hai tập sách về các chị em nhà Bukowski trong phần một chúng phải nghỉ hè ở nhà do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chúng đã cứu sống một em bé ở một bể bơi ngoài trời, được nhận vé mời và đã có một mùa hè vui vẻ. Bằng mối quan hệ chị em đầy yêu thương và sự mô tả các nhân vật người lớn các tác phẩm đã truyền tải được tình yêu cuộc sống và làm chúng khác với các tiểu thuyết đã được nhắc đến lúc trước với nội dung xoay quanh cuộc sống của phần nhiều là các gia đình yếu thế về mặt kinh tế xã hội.

Uticha Marmon trong cuốn tiểu thuyết Ngôi nhà câm lặng (2021) đã lấy chủ đề là đại dịch và kể lại cuộc sống của nhiều đứa trẻ trong nột toà nhà chung cư ở Berlin đã thay đổi như thế nào vào mùa xuân 2020. Các gia đình ở đó không giàu có, thường là đông con và sống trong một không gian chật hẹp. Marmon đã mô tả một cách tinh tế những mâu thuẫn đã nảy sinh trong một đợt phong toả, thể hiện những lo lắng và nỗi sợ của những đứa trẻ và cả những tác động lên bố mẹ chúng. Những người này hoặc là làm việc ngắn ngày hoặc phải tiếp tục làm các công việc quan trọng trong hệ thống với nguy cơ lây nhiễm cho gia đình mình. Các cửa hàng hỗ trợ thực phẩm đóng cửa và do đó dẫn đến việc thiếu thực phẩm. Thêm vào đó là một tình huống khó khăn trong một vụ án hình sự và tác giả đã làm an lòng các độc giả nhí bằng cách như vậy. Tác giả đã mô tả hiện trạng trong những tháng đầu tiên của đại dịch và chỉ ra sự bất lực của những người lớn không hiểu được tình hình và cũng không thể giải thích được điều đó cho những đứa con của họ. Tác giả không nhắc đến các nguyên nhân và điều này là quá phức tạp cho một cuốn sách dành cho trẻ em.

Chạy trốn/ Hoà nhập

Đề tài chạy trốn không phải là đề tài mới trong văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên và nó có một lịch sử lâu đời. Ví dụ trong bối cảnh văn học lưu vong, các tiểu thuyết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên ra đời kể về cuộc chạy trốn của những đứa trẻ khỏi nước Đức quốc xã. Các ví dụ có thể kể ra ở đây là các tiểu thuyết của Lisa Tetzner, Erika Mann và Adrienne Thomas. Kể từ năm 2000 càng ngày càng có nhiều tiểu thuyết cho trẻ em và thanh thiếu niên lấy đề tài về các cuộc chạy trốn đương thời khỏi các vùng chiến sự. Sau năm 2015 xuất hiện thêm các tiểu thuyết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên trong đó lấy trọng tâm là hoà nhập và sinh sống tại những đất nước hoàn toàn mới. Dựa trên các số phận của từng cá nhân, các cuốn tiểu thuyết giới thiệu tới các độc giả thiếu nhi và thanh thiếu niên đề tài về sự trốn chạy khỏi các hiểm hoạ chiến tranh, khủng bố và thảm hoạ thiên nhiên. Tuy nhiên quan trọng là các tiểu thuyết không chỉ khắc hoạ hình ảnh của những đứa trẻ trốn chạy mà còn diễn tả cả cuộc sống của chúng trước khi phải chạy trốn. Các tiểu thuyết thiếu nhi có thể nhắc đến ở đây là Khi cha tôi biến thành bụi rậm tôi đã mất tên (2012) của Joke van Leeuwen, Có lẽ chúng ta được phép ở lại (tiếng Đức 2015) của Ingeborg Kringeland Hald hay Cậu bạn Salim của tôi (2015) của Uticha Marmon và tiểu thuyết thiếu niên Khoảnh khắc diệu kỳ (tiếng Đức 2011) của Anne-Laure Bondoux. Các tiểu thuyết thiếu nhi kể về những con người phải chạy trốn theo các cách khác nhau: Các sự kiện một mặt được lồng vào các sự kiện lịch sử cụ thể (ví dụ như Có lẽ chúng ta được phép ở lại), mặt khác các cảnh chiến tranh và hậu quả dẫn đến là cuộc chạy trốn được khắc hoạ mà không cần phải lồng ghép vào các sự kiện cụ thể (ví dụ như trong tiểu thuyết Khi cha tôi biến thành bụi rậm tôi đã mất tên hay Phía bên kia đại dương). Cuốn tiểu thuyết cho trẻ em Khi cha tôi biến thành bụi rậm tôi đã mất tên của Joke van Leeuwen đề cập đến các chủ đề như chiến tranh, chạy trốn, băng nhóm buôn lậu người và đa ngôn ngữ. Truyện xoay quanh người kể chuyện không tên Tonda. Cô phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và bỏ chạy đến quê hương của mẹ cô. Bà và bố cô phải ở lại. Người bố trước chiến tranh từng là thợ làm bánh ngọt nay phải đi tham chiến. Cuốn tiểu thuyết Có lẽ chúng ta được phép ở lại xoay quay chủ đề trục xuất. Cậu bé Albin 11 tuổi năm năm trước đã phải chạy trốn khỏi Bosnia đến Na Uy cùng mẹ và em gái vì lý do tôn giáo. Ở Na Uy cậu đã tìm thấy một mái nhà nhưng cậu vẫn phải quay về Bosnia. Mặc dù ở Bosnia đã hoà bình nhưng vì là người hồi giáo họ vẫn luôn bị đe doạ và vì thế họ sợ hãi khi phải quay về. Albin trốn trong một chiếc ô tô, lái xe lên núi và tìm thấy một căn lều cô quạnh giữa mùa đông lạnh giá. Cậu đi lang thang trong rừng, quan sát hai cô gái với ông bà của họ. Cậu đói khát và bị lạnh cóng. Trong cảnh hồi tưởng cậu bé nhớ về mái nhà của mình ở Bosnia, nhớ về chuyện bố mình bị ám sát và gia đình phải chạy trốn. Họ đã trải qua những sự dã man nhất mà đa số độc giả có thể đã từng biết tới qua báo chí. Albin muốn ở lại Oslo, cậu đã có nhiều bạn và cũng nói ngôn ngữ ở đây. Nhà văn Ingeborg Kringeland Hald đã tiếp cận chủ đề chạy trốn và trục xuất một cách tinh tế và đã kể câu chuyện qua góc nhìn của một cậu bé mới 6 tuổi đã phải trải qua và sống sót sau cuộc chiến ở Bosnia. Những mô tả dồn dập và chính xác về cuộc chạy trốn, những nỗi sợ hãi và những hiểm nguy đã lột tả một cách thuyết phục cuộc sống của Albin cho đến ngày nay. Cả ba cuốn tiểu thuyết thiếu nhi đều chọn góc nhìn tự sự của những đứa trẻ để mô tả các trải nghiệm về chiến tranh, những cuộc chạy trốn và khi đặt chân đến một đất nước mới. Đó không phải là các câu chuyện về tình bạn giữa những đứa trẻ có hoặc không có trải nghiệm về sự trốn chạy. Các cốt truyện chủ yếu xoay quanh thời thơ ấu của những người tị nạn. Nhà văn Cornelia Franz đã viết hai tiểu thuyết về chủ đề chạy trốn với những điểm nhấn khác nhau. Với tiểu thuyết Tôi đã cứu mạng Anh-xtanh thế nào (2020) bà đã viết một tiểu thuyết lịch sử cho trẻ em kết hợp giữa khía cạnh chuyến du hành thời gian với cuộc trốn chạy từ Châu Âu sang Mỹ. Trong cuốn tiểu thuyết mới ra mắt Hải trình Calypso (2021) Cornelia Franz hướng đến cuộc chạy trốn hiện tại và chọn địa điểm xảy ra câu chuyện trên biển Địa Trung Hải, tức là tại nơi gần như hàng ngày đều xảy ra các thảm kịch của con người. Câu chuyện xoanh quanh một gia đình nhỏ người Đức dành cả kỳ nghỉ hè của mình trên một chiếc thuyền buồm và chu du từ cảng này sang cảng khác. Oscar thấy buồn chán, bố mẹ cậu không cho phép cậu dẫn bạn đi cùng và cậu thấy con thuyền chật hẹp thật bức bối vì "lúc nào cũng chỉ bơi loăng quăng ở đây với bố hoặc mẹ chả có gì là hay ho cả" (Franz 2021, trang 7). Rồi một chiếc thuyền cứu sinh đột ngột xuất hiện với hai đứa trẻ gần như chết khát. Bố mẹ Oskar đoán rằng đây là những người tị nạn. Họ muốn đưa hai đứa bé đến cảng gần nhất vì chúng cần phải được bác sĩ khám bệnh. Nhưng họ đã thất bại vì yêu cầu nhập cảnh khắt khe và cuối cùng họ phải tìm cách cứu hai đứa bé. Trong những câu chuyện của mình, các tác giả như Rieke Patwardhan tập trung vào đề tài sự đặt chân đến. Trong các tác phẩm của mình như Nhóm nghiên cứu súp đậu hay làm thế nào để chúng ta phát hiện ra bí mật lớn của bà ngoại (2019) và Nhóm nghiên cứu súp đậu trong nhiệm vụ mới hay làm thế nào để chiếm lấy một căn nhà và phát hiện ra bí mật của Lina (2021) Patwardhan kể về ba đứa trẻ Nils, Evi và Lina. Lina là học sinh mới ở lớp đến từ Syria. Nữ tác giả đã khéo léo lồng ghép chủ đề hội nhập vào một câu chuyện phạm pháp hồi hộp mà không làm những nỗi sợ hãi của cô bé trở nên tầm thường.

Trong các tiểu thuyết như Những đứa bé nhảy tàu (2015) của Dirk Reinhardt, Những giấc mơ của Kinshasa (2012) của Anna Kuschnarowa, Thời khắc nhiệm màu hay Số phận của những vì sao (2015) của Daniel Höra, chủ đề chạy trốn được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau cho giới trẻ. Trong Những đứa bé nhảy tàu, tác giả đã mô tả cách một nhóm thanh niên người Mexico đã chạy trốn từ Mexico sang Mỹ. Họ đã phải đối đầu với việc kiểm soát ở biên giới, các băng nhóm buôn người, sự ngờ vực và các vấn đề tiền bạc. Trong Những giấc mơ của Kinshasa, tác giả lại diễn tả cuộc chạy trốn của một cậu bé khỏi Châu Phi nơi cậu không tìm thấy cơ hội nào cho tương lai của mình trên lục địa này. Bên cạnh những đề tài đã được nhắc tới thì câu hỏi về chủ nghĩa chính thống cũng được đưa ra ở đây vì nhân vật chính đã gặp phải các phần tử hồi giáo cực đoan. Daniel Höra, tác giả luôn đề cập đến các vấn đề thực tế trong các tiểu thuyết của mình đã thể hiện hai số phận của hai cậu bé tị nạn trong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản Số phận của những vì sao. Đầu tiên là cậu bé Adib. Cậu sống cùng bố mẹ và các em trai ở Afghanistan. Khi bố của cậu bị phiến quân Taliban sát hại, cậu đã phải cùng mẹ và các em chạy trốn. Cuối cùng họ đến Berlin, nộp đơn xin tị nạn và từ đó sống trong một trại tị nạn. Tình cờ Adib làm quen với ông cụ Karl gần 90 tuổi. Bản thân Karl cũng đến Berlin tị nạn ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Cuộc trốn chạy của ông được mô tả theo một mạch kể thứ hai. Cả Adib và Karl đã xích lại gần nhau hơn và hơn cả là với Karl người luôn phải sửa lại các định kiến của mình và mở lòng hơn. Mối liên hệ giữa hai số phận người tị nạn này được mô tả một cách khéo léo và chi tiết.

Cũng giống như tiểu thuyết cho thiếu nhi, tiểu thuyết dcho thanh thiếu niên không chỉ xoay quanh chủ đề trung tâm là các cuộc trốn chạy hiện tại. Trong những tiểu thuyết như Gertrude không biên giới (2018) của Judith Burger hay Ở đất nước của sô cô la trắng (2021) của Martin Dolejs chủ đề là những cuộc trốn chạy khỏi CHDC Đức cũ hoặc Tiệp Khắc cũ. Trong tiểu thuyết của mình Burger đã kể về cách một người bạn của nhân vật chính Gertrude rời bỏ đất nước của mình. Dolejs, người từ những năm 1980 cùng với bố mẹ mình chạy trốn sang phương tây tường thuật trong cuốn tiểu thuyết đậm dấu ấn tiểu sử của mình về nhân vật Martin đã trốn sang phương tây và phải sống tại biên giới ra sao, bố mẹ anh đã bị bắt giữ như thế nào và anh đã cùng một người bạn của bố mẹ sang CHLB Đức. Tác giả đã khéo léo chơi đùa với các kỳ vọng, thể hiện một cái nhìn đối với phương tây. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều đề cập đến lịch sử đương đại.

Sự đa dạng văn hoá

Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một xã hội đa văn hoá là điều hiển nhiên và cả việc chung sống dân chủ cũng là một phần của thế giới sống hàng ngày của trẻ em. Vì vậy một chủ đề được yêu thích đặc biệt trong văn học thiếu nhi là phác thảo một xã hội đa văn hoá dường như hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên những cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi này cũng có chức năng giới thiệu tới các em các lối sống khác nhau và nhìn nhận yếu tố ngoại lai là một điều gì đó tích cực. Tuy nhiên các tác phẩm cũng không lý tưởng hoá việc chung sống đó mà cũng nêu ra những vấn đề như quan điểm cực đoan và bài trừ xã hội.

Zoran Drvenkar sinh năm 1967 ở Krizevci (Nam Tư cũ), nhưng chuyển đến Berlin năm 3 tuổi cùng gia đình. Ông đã trải qua thời thơ ấu và tuổi trẻ ở đây. Ông đã miêu tả điều này trong hai cuốn tiểu thuyết của mình là Không ai mạnh mẽ như chúng ta (1998) đồng thời là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông được trao giải sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Oldenburg và trong cuốn tiểu thuyết được đề cử giải thưởng văn học thiếu niên Đức Đứng trong mưa (2000). Ngày nay tác giả sống ở Potsdam và cũng viết nhiều tiểu thuyết cho người trưởng thành và liên tục nhận được nhiều giải thưởng. Trọng tâm câu chuyện trong Không ai mạnh mẽ như chúng ta (1998) là cậu bé Zoran khoảng 12 tuổi, lớn lên ở Berlin từ những năm 1970. Cậu bé làm bạn với Adrian, Eli và Karim, cùng bên nhau lúc rảnh rỗi và ít khi nghĩ về nguồn gốc của mình. Cuộc sống thực sự của cậu bé là khi cậu được ở cùng nhóm bạn. Gia đình và trường học ngày trở nên kém quan trọng hơn và có phần phiền toái. Gia đình của Zoran trông như thế này: mẹ cậu tiếp tục nấu các món ăn kiểu Nam Tư cũ, chửi bằng tiếng Serbo-Croatia còn bố cậu dù nhớ quê hương nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện để gia đình mình có một cuộc sống tốt ở Đức. Thực sự gia đình cậu muốn về Nam Tư hàng năm nhưng vì túng thiếu nên họ phải ở lại Berlin. Zoran tận hưởng việc được ở Berlin trong các kỳ nghỉ hè bên những người bạn và hầu như không nhớ gì về quê hương cũ cả. Nhưng quan trọng hơn nhiều so với cuộc sống gia đình hàng ngày của người Nam Tư ở nhà là môi trường Zoran tiếp xúc trực tiếp ở Berlin: cậu bé đi chơi cùng bạn bè trên đường phố, chúng cùng chơi bóng đá, tán dóc về các cô gái và việc trở thành người lớn. Mặc dù các cậu bé xuất thân từ các gia đình khác nhau và nói các thứ tiếng khác nhau, chúng nói chuyện bằng tiếng Đức với nhau và chỉ nói tiếng mẹ đẻ khi về nhà. Trong nhóm thiếu niên có thể nói một cách đơn giản rằng Zoran đã trải nghiệm một quá trình xã hội hoá đã định hình cậu nhiều, hoặc thậm chí là nhiều hơn là gia đình cậu và gốc gác Nam Tư của cậu. Annette Kliewer đã đúng khi nói rằng Drvenkar với các tiểu thuyết của mình đã tiến vào một phạm trù mới và mở đường cho một nền văn học nhập cư mới nhưng cũng có một cách tiếp cận khác với sự đa dạng văn hoá trong văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Nhà văn nữ người Đức Antonia Michaelis đã chuyển ý tưởng đa văn hoá vào tuyển tập truyện Kreuzberg 007 (2009-2012) của mình một cách hoàn toàn tự nhiên. Truyện xoay quanh một nhóm trẻ đa văn hoá sống ở Berlin ở thế kỷ 21. Tiểu thuyết trinh thám Cậu bé có khả năng đọc suy nghĩ (2012) của Kirsten Boie xuất bản năm 2012 một phần theo hình mẫu Steinhöfel nhưng lại đưa ra nền tảng mới trong dòng văn học đa văn hoá cho trẻ em và thanh thiếu niên. Câu chuyện được kể dưới cái nhìn của cậu bé Valentin cùng mẹ đến Đức từ Kasachstan. Sau một lần chuyển nhà nữa cậu bé lạ lẫm ở thành phố mới. Lúc đó đang là kỳ nghỉ hè. Cậu lang thang ở chỗ ở mới và làm quen cậu bé Mesut đến từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng bố mẹ. Hai cậu bé cùng nhau phá một vụ án hình sự. Điều mới mẻ ở đây là sự thay đổi góc nhìn vì người kể chuyện là một đứa trẻ gốc nhập cư. Do đó người đọc được thay đổi cách nhìn và như vâỵ Kirsten Boie đã tiếp bước một cách vững chắc những gì Drvenkar khơi mào vào đầu thế kỷ 21. Một ví dụ mới nhất có thể nhắc tới là tiểu thuyết thiếu nhi Pembo. Nửa và nửa nhân đôi hạnh phúc (2020) của Ayse Bosse xoay quanh cô bé Pembo với dòng máu lai. Bố cô bé là người Thổ Nhĩ Kỳ, mẹ là người Đức. Gia đình cô bé sống những năm đầu ở gần biển Địa Trung Hải ở Thổ Nhĩ Kỳ rồi sau đó chuyển đến Hamburg.

Cuốn sách dành cho thiếu niên mô tả một xã hội đa dạng và khái niệm đa dạng văn hoá được thể hiện một cách rộng mở: các tác giả không chỉ kể về việc di cư và khi đặt chân đến vùng đất mới mà còn mô tả những sự khác biệt giữa giàu và nghèo hay giữa thành thị và nông thôn. Một trong những tiếng nói thú vị nhất ở đây có thể kể tới tác giả Christian Duda. Với tác phẩm Chẳng có gì tất thảy (2017), ông kể về cậu bé Magdi có mẹ là người Đức và bố là người Ả Rập. Lấy bối cảnh nhập cư vào những năm 1970, Duda kể về sự phân biệt chủng tộc hàng ngày Magdi và em gái cậu phải trải qua, về bạo lực ở nhà và cuối cùng là về lòng dũng cảm để tìm lại chính mình. Cho đến nay có rất ít tiểu thuyết nói về cuộc sống của người nhập cư hoặc không nhập cư trong những thập kỷ trước.
 

Tài liệu tham khảo

  • Gansel, Carsten: Các xu hướng mọi lứa tuổi và sự làm mất tập trung trong văn chương đương thời cho các độc giả trẻ. Trong: giờ học tiếng Đức H. 4, 2012, trang 2-11.
  • Gansel, Carsten: Văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện đại. Các đề xuất cho bài giảng định hướng năng lực. Cornelsen: Berlin 42010.
  • Kliewer, Annette (2004): Phương pháp sư phạm về sự đa dạng: Zoran Drvenkar: Không ai mạnh bằng chúng tal. Trong Klierwer, Annette/Schilcher, Anita (Hg.): Đất nước này cần độc giả mới!
  • Hướng đến các bài học phân biệt giới tính với văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Schneider: Hohengehren, trang 172-181.
  • Kümmerling-Meibauer, Bettina: Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Sự mở đầu. WBG: Darmstadt 2012.
  • Wrobel, Dieter: Đọc cá nhân hoá. Hỗ trợ đọc theo các nhóm đọc không đồng nhất. Lý thuyết - Mô hình - Đánh giá. Schneider: Baltmannsweiler 2008.
  • Wrobel, Dieter: Văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên sau năm 2000. Trong: tiếng Đức trong thực hành, số 224, 2010, trang 4-11.