Trang Hạ là nhà văn, người chạy ma-ra-tông, nhà hoạt động xã hội và chuyên gia tư vấn truyền thông ở Hà Nội. Cô là tác giả của nhiều tiểu thuyết và các tập truyện ngắn bán chạy, đồng thời là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc. Tác phẩm của cô xoay quanh các chủ đề về tình trạng của phụ nữ trong xã hội, cộng đồng LGBT, cuộc sống gia đình và sự theo đuổi vị trí và hạnh phúc của người trẻ ở Việt Nam. Cô tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội và có bằng thạc sĩ truyền thông tại Đài Loan.
Sinh năm 1975 ở Hà Nội, Trang Hạ tiêu biểu cho một thế hệ người Việt sinh sau chiến tranh và lớn lên trong bối cảnh Việt nam có nhiều thay đổi chóng mặt. Dưới nền kinh tế thị trường và sự mở rộng của đất nước trong mối quan hệ với thế giới, các giá trị xã hội Việt Nam đang được định nghĩa lại một cách dữ dội. Thế hệ của Trang Hạ cấu thành từ những người vẫn duy trì đời sống của một gia đình truyền thống trong khi phải cạnh tranh sinh tồn trong xã hội hiện đại hoá nhiều thực dụng.
Trong vòng hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và nhiều năm làm báo tại nước ngoài, Trang Hạ có được cái nhìn so sánh giữa đời sống ở Việt Nam và nước ngoài, giữa các điều kiện của người nữ ở Việt Nam và những nơi khác. Trang Hạ năng động và tích cực kêu gọi người nữ Việt Nam rời xa lối sống phụ thuộc cũ kĩ với những giá trị gia trưởng đầy trói buộc. Sáng tác của Trang Hạ xiển dương những người nữ tiến bộ, độc lập về cảm xúc và tài chính và theo đuổi những quan điểm sống riêng. Năm 2015, những phát ngôn, các bài báo, các ấn phẩm sách của cô đã kích thích hành triệu thảo luận trên mạng xã hội ở Việt Nam, khi cô kêu gọi cho quyền phụ nữ và phê phán sự ích kỉ của nam giới ở Việt Nam. Hiệp Hội Phụ Nữ (UN Women) đã chọn cô làm đại sứ cho chiến dịch “He for She/ Chàng vì Nàng” năm 2015 ở Việt Nam.
Năm 2017, Trang Hạ nằm trong danh mục “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn.
Năm 2018, Trạng Hạ là người Việt Nam đầu tiên dự giải chạy Boston Marathon.
Fanpage Facebook của Trang Hạ có 470.000 người theo dõi.
Nửa năm đầu sống ở Đài Loan, tôi tưởng cuộc đời tôi đã sang trang mới, những cuộc dạo bộ sáng sớm, ăn sáng bên nhau, chồng tôi chở đi tham quan khắp miền Trung của đảo. Thán là một người đàn ông chăm lo chu đáo, ông tìm địa chỉ những gia đình cưới vợ Việt để chở tôi đến chơi cho đỡ buồn. Ông khoe khắp nơi người vợ trẻ, nhấn mạnh là có tốt nghiệp đại học, không phải loại gái lấy qua môi giới, ông không phải mất tiền!
Đôi khi niềm tự hào của Thán là nỗi ngại ngần của tôi.
Ở Việt Nam, tôi chỉ biết học, sang Đài Loan tôi tập làm người vợ, Thán tận tình chỉ dạy cho tôi mọi điều, từ bếp núc tới chợ búa, thu dọn nhà cửa. Việt Nam là một xã hội đàn bà xoay quay cuồng quanh đàn ông, lúc nào cũng sợ mình chạy không kịp với đòi hỏi của nam giới. Cả đời tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy có một người đàn ông như Thán lau nhà, đổ rác, đi chợ, nấu cơm, ủi đồ. Ở Đài Loan tôi mới thấy đàn ông đi mua băng vệ sinh cho đàn bà.
Nhưng Thán lại không thích đi mua băng vệ sinh cho tôi, không phải vì ngại, mà bởi ông luôn giục, có bầu đi, có bầu đi em.”
(NXB Phụ nữ, 2015, Chồng xứ lạ )