NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân kiến trúc và thạc sĩ Quản lý Truyền thông. Anh từng làm việc cho một số báo và Nhà xuất bản Trẻ, hiện là nhà văn và họa sĩ tự do. Trương Quý được đề cử giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
Anh là tác giả của các tập sách: Tự nhiên người Hà Nội (2004), Ăn phở rất khó thấy ngon, (2008), Hà Nội là Hà Nội (2010), Xe máy tiếu ngạo (2011), Còn ai hát về Hà Nội (2013), Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013), Mỗi góc phố một người đang sống (2015), và đồng tác giả của “Lê la quà vặt” (2017), đồng tác giả Đặng Hồng Quân, Ăn quà xuyên Việt (2017) (đồng tác giả Đặng Hồng Quân), Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018).sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân kiến trúc và thạc sĩ Quản lý Truyền thông. Anh từng làm việc cho một số báo và Nhà xuất bản Trẻ, hiện là nhà văn và họa sĩ tự do. Trương Quý được đề cử giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
“Tôi thường quan tâm đến những chuyển thể của văn chương sang những loại hình khác: âm nhạc, sân khấu, điện ảnh hoặc ngược lại, những khai thác từ các văn bản nghệ thuật khác trong văn học. Tôi biết người ta gọi đó là liên văn bản văn hóa. Có thể do tôi làm nhiều công việc khác nhau mà viết văn giống như một công việc hạt nhân, chi phối các việc còn lại theo cách người Việt tự trào, “không bổ dọc cũng bổ ngang”. Với tôi, quan trọng là những mối liên kết này khiến việc viết trở nên thú vị và nhiều khi đỡ chán nản. Bởi việc viết lách rất dễ khiến người viết chán.
Mỗi lần viết, tôi như đang đi cuộc du khảo trong tâm trí. Tôi đi lang thang trên các văn bản tra cứu như đi nhặt hạt dẻ. Có lúc tôi nhặt được những món đồ quý. Tôi lục lại trí nhớ về những trải nghiệm của mình trong cuộc sống như người giở album ảnh. Có lúc tôi sững sờ vì gặp lại kỷ niệm đã bị quên lãng. Tôi là người viết chắp nối những mạch quá khứ và hiện tại. Tôi biết mình thuộc về thế hệ sẽ còn phải giải quyết các câu chuyện có tính lịch sử của xứ này. Việc viết của tôi, về mặt nào đó gần gũi với nhu cầu xê dịch, cho dù tôi có viết nhiều về nơi tôi sống là Hà Nội. Những người viết thường có nhu cầu lạ hóa thực tại để tìm những góc cạnh mới làm cảm hứng sáng tác. Điều băn khoăn nhất mỗi lần viết với tôi là: cái lạ mình tìm ra đấy, nó lạ được đến chừng nào? Tôi có khác chính tôi của ngày hôm qua? Mỗi ngày viết là một hành trình tìm kiếm một tôi khác.”