Trò chuyện với nghệ sỹ Châm cứu Sông Hồng: Bài học từ phù sa

HAN 20241007 7360 © Goethe-Institut Hà Nội

T2, 07.10.2024

18h30 - 20h30

Goethe-Institut Hà Nội

Trao đổi về nghệ thuật cộng đồng từ góc nhìn của các nghệ sĩ Việt Nam và Đức

Đăng ký tham dự

“Châm cứu” là một trong những cách mà nhóm nghệ sĩ Floating University Berlin mô tả sự hiện diện của mình tại khu vực bờ vở Sông Hồng trong 2 tuần vừa qua, trong chuyến lưu trú ngắn hạn thuộc dự án “Vườn cộng đồng” do Goethe-Institut Hà Nội, Viện Pháp tại Hà Nội và Think Playgrounds khởi xướng. Bằng thực hành nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ Pháp, Đức và Việt Nam mong muốn khơi thông những mạch chuyện sinh thái trong thời kì phát triển bùng nổ của vùng đất thủ đô.

Giữa một không gian đang được vận hành bởi cộng đồng địa phương, cần đặt những cây kim ở đâu, bằng cách nào để các thảo luận được diễn ra? Sau cơn lũ lịch sử và lớp phù sa đọng lại bên bờ sông Hồng, làm các dự án nghệ thuật và phát triển cộng đồng như thế nào thì hợp lí?

Diễn giả

Eliza Chojnacka

Eliza Chojnacka © Cá nhân

Eliza Chojnacka (she/her) là một nghệ sĩ đa ngành. Cô tập trung vào các mối liên hệ mang tính thơ, văn hóa và xã hội liên quan đến thực phẩm và duy trì sự sống. Trong thực hành nghệ thuật của mình, cô sử dụng các hoạt động không kéo dài như lên men, nấu ăn, biểu diễn, thơ ca, hội họa và mơ mộng như một cách để gợi mở những câu chuyện. Các tác phẩm của cô tập trung vào việc thực hành chăm sóc môi trường thông qua góc nhìn queer. Cô là cựu sinh viên ngành Thiết kế Xã hội tại Đại học Nghệ thuật Ứng dụng Vienna. Thực hành của cô đã phát triển trên nền đất ẩm của Spółdzielnia Krzak, một khu vườn phi lợi nhuận và tập thể nghệ thuật ở Warsaw, Ba Lan. Cô đã là một phần của nhóm nghệ sĩ Floating University từ năm 2021. Cô đã hợp tác và trình bày tác phẩm của mình tại Biennial of Design lần thứ 26 tại Ljubljana; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Warsaw; DOCK20, Lustenau; ZK/U, Berlin; Phòng trưng bày łęctwo; Quỹ nghệ thuật Krupa, Wrocław, Haus der Kulturen der Welt, Berlin và D21 Kunstraum, Leipzig.

Jöran Mandik

Jöran Mandik © Cá nhân

Jöran Mandik (he/him/they/them) là một nhà nghiên cứu và thực hành về đô thị (Thạc sĩ Thiết kế Đô thị, TU Berlin, RMIT Melbourne), đồng thời là một người điều phối, nhà sản xuất chương trình văn hóa, nghệ sĩ và người kể chuyện. Anh đã hoạt động như một nhà thực hành đô thị từ năm 2017, đi sâu vào điểm giao của nghệ thuật, đô thị học, nghiên cứu và giáo dục với tư cách là thành viên của Floating e.V., Urbane Praxis e.V. và dự án nghiên cứu hành động Making Futures Bauhaus+ (Đại học Nghệ thuật Berlin và raumlaborberlin). Các tác phẩm của anh tập trung vào việc gây dựng cộng đồng, kể chuyện, tạo dựng sự thân thiện và điều phối.

Chu Kim Đức
Chu Kim Đức là đồng sáng lập - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds. Bà có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các mô hình không gian công cộng sáng tạo và thân thiện tại Việt Nam cũng như thúc đẩy quyền được vui chơi cho trẻ em. Năm 2020, bà Chu Kim Đức được bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng trên thế giới do tạp chí BBC bình chọn.

Trần Lương

Trần Lương © Cá nhân

Trần Lương, một nghệ sĩ thị giác, curator độc lập, và một người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Là một người cố vấn luôn sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, Trần Lương vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành giám tuyển; khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác; tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam.

Trần Lương hiện là đồng sáng lập Trung tâm APD, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Quỹ Sống, thành viên Hội đồng Cố vấn Nghệ thuật – Hội đồng Văn hóa Châu Á New York từ năm 2019. Ông cũng đã tham gia nhiều hội đồng nghệ thuật quốc tế uy tín như Mạng lưới Nghệ thuật Châu Á (ANA) (2003 – 2009), Ban giám khảo Quốc tế của Liên hoan phim Quốc tế Oberhausen lần thứ 59 tại Đức (2013). Các giải thưởng nghệ thuật danh giá thế giới: Giải thưởng Prince Claus của Hà Lan (2014), Giải thưởng Quỹ Andy Warhol về Nghệ thuật Thị giác (1999). 

Phạm Minh Đức

Phạm Minh Đức Ảnh: Nguyễn Tiến Vinh © Goethe-Institut Hà Nội

Phạm Minh Đức, 42 tuổi, là một chuyên gia tái chế sáng tạo từ Hà Nội. Với hai bằng cử nhân kinh tế và tin học doanh nghiệp, Đức từng làm việc trong ngành ngân hàng trước khi chuyển sang thử thách bản thân trong lĩnh vực phân loại rác. Hiện nay anh đang thực hành tái chế nhựa, chai thủy tinh và bao bì Tetrapak. Với vai trò đồng sáng lập nhóm nghệ thuật Lighting Group Art for Change, anh đang cố gắng nâng cao nhận thức xã hội về chất thải rắn đô thị. Anh cũng là đại diện bán hàng cho công ty STADLER Anlagenbau GmbH của Đức, nhà cung cấp giải pháp phân loại chất thải hàng đầu thế giới.

Điều phối thảo luận

Ngụy Hải An
Ngụy Hải An (sinh năm 1991) tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Chính trị Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Cô bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật từ năm 2018 với các vai trò: giám tuyển giáo dục, truyền thông, điều phối sự kiện. Hải An hiện làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD. Bên cạnh đó, cô tích cực tham gia hỗ trợ nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng như: cộng tác nghiên cứu và viết bài cho trang nghệ thuật Hanoi Grapevine, quản lý truyền thông và điều phối sự kiện cho Dự án âm nhạc cổ điển “Schubert in a Mug”, là chủ tịch Mạng lưới khán giả tích cực PAN (Proactive Audience Network). Cô từng làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) từ năm 2018 – 2020 và trực tiếp tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật đáng chú ý như: Trình diễn thị giác âm thanh “Our light” (2019), Trình diễn âm nhạc “Into the Noise” (2019), Chuỗi workshop cho trẻ em “Chu du trong thế giới nghệ thuật” (2020, cùng nhiều chương trình khác.

 

Quay lại