Câu hỏi về bản sắc dân tộc đã lần nữa trở lại như một bóng ma và trở nên càng ngày càng đáng lo ngại trong kỷ nguyên của chủ nghĩa bảo thủ đang gia tăng toàn cầu. Trong quá trình phát triển nghệ thuật tại Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 20, những diễn ngôn phê phán về giải-Tây-hóa và giải-Hán-hóa đã phải vật lộn với câu hỏi dai dẳng về bản sắc dân tộc. Vấn đề này gắn liền với sự hiểu về động lực của hiện đại hóa và những nan đề của nó trong bối cảnh lịch sử của thế kỷ 20, cả ở cấp độ địa phương và khu vực. Cuộc trò chuyện “Bên kia tiếng vọng thuộc địa” cùng nhà nghiên cứu trẻ Ngô Thanh, giám tuyển Su Wei và giáo sư You Mi – khám phá một số manh mối lịch sử trong nghệ thuật từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay. Nó xem xét vai trò của nghệ thuật trong việc định hình bản sắc dân tộc theo khuôn khổ của chủ nghĩa xã hội và hậu chủ nghĩa xã hội, cũng như sự phát triển của diễn ngôn và mô hình phê phán trong bối cảnh này.
Trò chuyện “Bên kia tiếng vọng thuộc địa” và workshop cùng tên diễn ra trong hai ngày trước đó là một phần của dự án tái khám phá và đánh giá lịch sử “Nhìn từ Mũi đất: Những trao đổi nghệ thuật trong và ngoài Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á trong những năm 1950-1980”. Dự án do Su Wei, một giám tuyển và nhà sử học nghệ thuật độc lập, và You Mi, giáo sư tại ĐH Kassel khởi xướng, với sự hỗ trợ toàn diện của Goethe-Institut Trung Quốc và hợp tác cùng các Goethe-Institut tại Calcuta, Hà Nội, Jakarta, Kyoto, Manila, Mumbai, và Seoul (theo thứ tự alphabet). Viện documenta, với tư cách là một tổ chức hỗ trợ khác của dự án này, sẽ đồng hành trong việc tổ chức hội thảo tổng kết và xuất bản vào năm sau.
Thông qua một loạt các workshop dành cho khách mời và các trò chuyện công khai, dự án nhằm mục đích đào sâu và (có khả năng) tái định nghĩa lại hiểu biết của chúng ta về vai trò của nghệ thuật trong việc định hình các đối thoại giữa địa phương và toàn cầu trong những khu vực nói trên.
NGÔ THỊ THANH tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng tại đây, cô hoàn thành chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận văn học với hướng tiếp cận diễn ngôn bản sắc giới trong mạch lý thuyết phân tâm học J. Lacan và phê bình queer Judith Butler để soi chiếu vào thực hành văn chương và điện ảnh của M. Duras. Từ năm 2009 đến nay, cô công tác tại một số trường THPT, thực hành giám tuyển và hướng dẫn khóa học làm phim, phê bình phim tại trung tâm phim tài liệu-thử nghiệm Hanoi DOCLAB. Hoạt động chính mà cô theo đuổi dài lâu là viết lách, làm phim, nói năng cùng/ với văn chương, nghệ thuật, điện ảnh. Hiện tại, cô đang hoàn thành chương trình thạc sỹ phê bình và giám tuyển nghệ thuật đương đại (CCSCA) tại trường Đại học Quốc lập giáo dục Đài Bắc (NTUE), Đài Loan với đề tài nghiên cứu xoay quanh nghệ thuật, chính trị-thẩm mỹ và hoạt động viết sử đường hướng giải thực dân.
MI YOU là một giáo sư về Nghệ thuật và Kinh tế tại Đại học Kassel/Viện documenta. Trước khi gia nhập đội ngũ của ĐH Kassel, cô là cộng tác viên nghiên cứu tại khoa Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông, Học viện Nghệ thuật Truyền thông Cologne (2014-21). Mối quan tâm học thuật của cô là chủ nghĩa tân duy vật và duy vật lịch sử, triết học trình diễn, cũng như là lịch sử, lý thuyết chính trị, và triết học Á-Âu.
Cô làm việc với Con đường Tơ lụa như một sự tượng hình cho các mạng lưới tái tưởng tượng, và đã giám tuyển các triển lãm và chương trình tại Trung tâm Văn hóa châu Á ở Gwangju, Hàn Quốc, Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Quốc tế Ulaanbaatar, Mông Cổ (2016), Zarya CCA, Vladivostok (2018), và nền tảng nghiên cứu/giám tuyển “Giải bản đồ Á-Âu” (2018-) với Binna Choi. Các triển lãm gần đây của cô tập trung vào xã hội hóa công nghệ và “những suy đoán mang tính hành động”, chẳng hạn như “Sci-(no)-Fi” tại Học viện Nghệ thuật Thế giới, Cologne (2019) và “Lonely Vectors” tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (2022) . Cô là một trong những người phụ trách Shanghai Biennale lần thứ 13 (2020-2021). Về khía cạnh xã hội, cô giữ chức chủ tịch ủy ban về Nghệ thuật và Công nghệ Truyền thông của tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia "Diễn đàn Hành động chung" . Mi You đồng khởi xướng dự án “Nhìn qua mũi đất: Trao đổi nghệ thuật trong và ngoài ở Đông, Đông Nam và Nam Á trong những năm 1950-1980”.
SU WEI (sinh ra tại Bắc Kinh) là một cây viết nghệ thuật, sử gia nghệ thuật, và giám tuyển sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh. Năm 2014, anh được nhận giải nhất cho Giải thưởng Quốc tế về Phê bình Nghệ thuật (International Awards for Art Criticism / IAAC). Anh từng là giám tuyển cấp cao tại Bảo tàng Inside-Out Bắc Kinh trong khoảng 2017 đến 2020, và là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Thanh Hoa 2021-24. Tác phẩm của Su Wei trong những năm gần đây tập trung vào việc tái dựng lại câu chuyện-và trí tưởng tượng cấp tiến-của lịch sử nghệ thuật đương đại Trung Quốc, đồng thời khám phá nguồn gốc của tính chính danh lẫn sự đứt gãy của lịch sử nghệ thuật Trung Quốc đương đại trong bối cảnh toàn cầu. Anh đã xuất bản các bài báo trên các tạp chí nghệ thuật quốc tế, bao gồm e-flux, YISHU: Tạp chí Nghệ thuật Đương đại Trung Quốc, Tạp chí Nghệ thuật Đương đại, và Kunstforum. Các dự án triển lãm của anh bao gồm: Liên hoan lưỡng niên về điêu khắc tại Thâm Quyến lần thứ 12, "Thông điệp tình cờ: Nghệ thuật không phải là một hệ thống, không phải một thế giới" (Trung tâm nghệ thuật đương đại OCT, Thâm Quyến, 2012), "Không tham khảo: Thực hành nghệ thuật truyền thông và video của Hồng Kông kể từ năm 1986" (Videotage Hồng Kông, 2016), “Cộng đồng cảm xúc: Những mô hình cảm xúc trong nghệ thuật ở Trung Quốc hậu 1949” (Bảo tàng nghệ thuật Inside-Out Bắc Kinh, 2019), v.v.