Julia Franck, (sinh năm 1970 tại Berlin-Lichtenberg) viết thơ và văn xuôi.
Julia Franck đã học chuyên ngành môn hoa kỳ học cổ điển, ngôn ngữ học Đức và triết học. Với những bài viết và 8 tác phẩm, Julia Franck đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng và học bổng. Năm 2007 bà đã được vinh danh với giải thưởng sách Đức (dbp) cho tiểu thuyết „Die Mittagsfrau“ (Người đàn bà buổi trưa). Cuốn tiểu thuyết đã bán được một triệu lần. Nó cũng được diễn thành kịch dưới những kịch bản sân khấu khác nhau. Tiểu thuyết „Lửa trại“ (Lagerfeuer) đã được quay phim dưới sự đạo diễn của Christian Schwochow năm 2013 đưới tiêu đề „Western“ (Miền Tây).
Tiểu thuyết „Die Mittagsfrau“ diễn ra trước bối cảnh hai cuộc thế chiến. Vai chính của tiểu thuyết là người đàn bà nửa Do thái Helene, đã phải chịu đựng nhiều phủ phàng của số phận và gục ngã trước số phận ấy. Ngay cả tình yêu của đứa con trai cũng không giúp gì được; cuối cùng bà bỏ con ra đi.
Với nhân vật chính Helene trong cuốn tiểu thuyết, văn học đã thu nhận thêm một hình ảnh phụ nữ phức hợp đa dạng. Julia Franck khai thác chất tối tăm bí ẩn của tính đàn bà, vai trò ngoài lề xã hội của người phụ nữ nơi hình ảnh của một người mẹ, điều ấy thật đáng chú ý đặc biệt như nữ chuyên gia điểm sách nhận xét. (Antje Korsmeier, TAZ, 29.09.2007).
Thái Kim Lan dịch
Ngôn ngữ xuất hiện nơi con mắt không thể nhìn được và mở ra những thế giới mới đặc biệt nhờ hình thức văn chương của nó, những thế giới mà bằng cách khác không thể trải nghiệm cũng như không thể thấy được trong con mắt nội tâm. Như thế, ngôn ngữ có thể sản sinh ra một thứ tiếng nói vô thanh, có thể khám phá một linh hồn ẩn dấu, nhưng lại cũng có thể làm cho những hình ảnh vô hình bên ngoài hiện ra trước con mắt bên trong. Bằng cách ấy những bài ca tự làm thơ và kể những câu chuyện phức hợp với thời gian đồng hiện quá khứ và tương lai, về kinh nghiệm và ước vọng, cả về tưởng tượng, bằng cách nó làm cho người ta có thể trải nghiệm và biết được nỗi đau thầm kín cũng như khao khát với những thích thú, ham mê, thèm muốn ở phía bên này của con người và ở phía bên kia của vật chất.
Văn chương quyến rũ, thúc giục và thách đố, khêu gợi hạnh phúc, liên tưởng và tư duy. Nó để người tình của mình trong sự giản lược và thi hoá tham dự vào điều chưa quen, điều đó nối kết với thế giới trải nghiệm đã quen thuộc của người đọc. Nó ban phát tri thức, tuy nhiên nó nhường lại cho người đọc việc giải thích và xếp loại, lý giải ý nghĩa và đánh giá điều đã trải nghiệm.
Khác với sự sao chép thực tại, văn chương sản sinh tự do, bởi vì văn chương qui kết tri giác và tri thức về vẻ đẹp và chân lý. Ở đâu trên phương diện ý nghĩa, đạo đức và trí thức văn chương không nằm dưới khuôn khổ ước lệ và dưới sự hạn chế, nó có thể dễ dàng tiếp dao giữa cái lịch sử với cái hỗn loạn của hiện tại.
Trong văn chương Đức, chúng ta từng biết Faust của Goethe cũng như Prozess của Kafka, cổ tích của Grimm và của Hauff, một truyền thống trải qua nhiều thế kỷ về thơ và dân ca, tuy nhiên thế giới qui chiếu của văn chương không chỉ riêng mình nó. Ngôn ngữ được xác định bởi hiện tại, nó nằm dưới những biến đổi và được ấn định không những về văn hoá mà còn về chính trị nữa. Qua chiến tranh và vũ lực, nó mất đi tính nhẹ nhàng và sự vô tội. Ngôn ngữ là một cơ cấu, mà nhất thời tính sinh động và linh hoạt của nó dọc theo những ảnh hưởng áp chế bị tê liệt và có thể thay đổi mã số của nó về lâu về dài. Ngôn ngữ không chỉ hoàn thành những lợi ích mà còn bị lạm dụng tuỳ theo mỗi sử dụng, còn bị xài xể và còn bị tước rỗng, còn bị đảo ngược, bị thay đổi nữa. Những nhà văn Đức đã còn viết được như thế nào và về những gì sau thế chiến thứ hai? Thứ lịch sử nào họ đã muốn kể cho chính mình và cho cả thế giới, và những bài ca nào họ đã muốn hát cho nhau nghe? Tiếng nói của người Đức từ xứ sở của thi nhân và triết nhân “đã bị một vết rách,” và vết xé này đã không phải là vết thứ nhất của họ và không bị gây nên một cách vô tội vạ, tương tự như thế giới của tác phẩm Lenz của Büchner đã bị một vết xé như thế. Như thế không đáng ngạc nhiên khi ngôn ngữ Đức và văn chương Đức trong những thập niên sau chiến tranh được ấn định bởi một ý thức đã được thay đổi và bởi một đắn đo mới, thận trọng và cẩn trọng, nếu không bặt tiếng. Có lẽ đó là một điều may cho văn chương Đức, khi giải thưởng danh giá nhất, giải thưởng Büchner, đã không được trao trong những năm dưới chế độ quốc xã từ 1933 đến 1944. Những người Đức đã trở nên những tín đồ của chủ nghĩa quốc xã và trở thành những kẻ sát nhân và văn chương của những năm ấy đã đánh mất tự do cũng như vẻ đẹp của nó.
Ngay cả khi nếu có một sự canh tân, thì nó cũng chỉ tiến lên một cách khó nhọc. Joseph Roth và Stefan Zweig đã chết trong thời gian lưu đày. Sau Anna Seghers và Paul Celan, mà trước đó đã có một cuộc tranh cãi chua chát về Celan, những nữ văn sĩ Đức-Do thái bị lưu đày và nổi bật như Mascha Kalecko, Else Lasker-Schülẻ và Rose Ausländer đã không nhận được danh dự nào cho tác phẩm của họ sau chiên tranh. Ngay cả Ilse Aichinger cũng không một lần được vinh danh ở nước Đức. Chỉ duy Nelly Sachs đã được trao giải Nobel - không ở trên nước Đức mà từ nơi trú thân của mình tại Thuỵ Điển. Sự can đảm của bà cũng như của Celan nằm trong thứ ngôn ngữ chính xác, trong việc gọi tên Auschwitz, trong cáo trạng, trong đau buồn. Đồng thời những tác giả Do Thái đã bị đóng chặt vào đề tài này hàng thập niên sau và bị thu hút vào việc đào xới lịch sử trên phương diện chính trị văn học.
Cuộc dã ngoại ngắn ngủi về ảnh hưởng chính trị trên văn chương và sự thu nhận của nó có mục đích cho thắy văn chương ít được bảo vệ trước xã hội và chính trị của xã hội ấy như thế nào. Ngôn ngữ bị gia nhập (hãy xem lịch sử không vẻ vang của những bài thơ Đức cho những bản quốc ca), bị lạm dụng cho đạo luật và mệnh lệnh, những thứ gây nên cuộc giết người và biện minh đạo đức.
Ngôn ngữ Đức, dụng cụ của tôi cho nghệ thuật, sẽ tiếp tục thay đổi, hồi sức và chiếm lại tự do, tuy nhiên dấu ấn và yếu tính của nó sẽ không thể tưởng tượng được mà không có những vết sẹo kia.
Văn chương là trí nhớ, nó không phải là kho lưu trữ cứng nhắc mà là trí nhớ sống động và sáng tạo nên hiện tại. Bằng viết và đọc, chúng ta trải nghiệm được thời gian trong tính cách đáng kinh ngạc của nó nhất, tính liên tục.
Nếu ngôn ngữ tự đặt mình duy nhất trong việc phục vụ điều có thể thông tin có tính tài liệu, ngôn ngữ sẽ đánh vuột mất những phẩm chất vượt thời gian và không gian. Cái tư liệu và cái phóng sự trong chức năng chắc chắn quan trọng của chúng sẽ được lưu giữ trong phim video, nơi đó nhờ vào hình ảnh và lời nói, thông tin về những biến cố có thể đưa ra trong thời gian thật.
Riêng văn chương cũng như nghệ thuật là thứ nhân bản có tính chủ quan sâu xa nhất, chân lý chỉ riêng tương ứng với kinh nghiệm chủ quan. Chân lý có thể nhận biết và có thể chuyển đạt, nó là tiếng vọng trên dòng liên tục của thực tại và tư duy, chủ thể và nghệ thuật.