Fatma Aydemir (sinh năm 1986 tại Karlsruhe) là một nhà văn, nhà báo Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, hiện sống ở Berlin. Ông bà của cô đến Đức như những người công nhân lao động khi bố mẹ cô còn ở tuổi vị thành niên. Fatma học ngành ngôn ngữ Đức và nghiên cứuMỹ tại Frankfurt và Main. Từ năm 2012, cô sống tại Berlin và là biên tập viên tờ nhật báo taz, tập trung vào mảng văn hoá đại chúng, văn học và người Thổ Nhĩ Kì. Chị cũng sáng lập ra tạp chí mạng song ngữ taz.gazete, nhằm phản ứng với sự đàn áp tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kì. Cô đồng thời là nhà báo tự do, viết bài cho Spex và tạp chí Missy. Tiểu thuyết đầu tay Ellbogen (Cùi chỏ) xuất bản năm 2017 của cô viết về vấn đề leo thang bạo lực ở ga tàu điện ngầm.
Giới phê bình có nhiều phản ứng thú vị với tác phẩm của cô.
Nhà phê bình Philipp Bovermann trên tờ Süddeutschen Zeitung thích thú với ngôn ngữ rõ ràng của Aydemir và cuốn tiểu thuyết dội ra hai cú đấm: Một là về thói ghét phụ nữ trong xã hội Thổ Nhĩ Kì. Hai là sự giả dối của xã hội quá chừng tự do kiểu Đức.”
Andrea Diener từ tờ Frankfurter Allgemeinen Zeitung trái lại, lại mong muốn nhiều hơn những quan sát đa dạng từ nhân vật nữ chính người Đức gốc Thổ Nhĩ Kì Hazal: “Tác giả không đặt nặng việc độc giả dần đồng cảm với nhân vật Hazal trong tiến trình của cuốn sách, và nhân vật đã dần trượt khỏi người đoc.”
Tác phẩm “Cùi chỏ“ nhận được 10.000 Euro tiền thưởng từ giải Klaus-Michael-Kühne-Preis tại Festival văn học Harbour-Front-Literaturfestival cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất. Tác giả đồng thời nhận được giải thưởng Franz-Hessel-Preise cùng năm.
Thái Kim Lan dịch
Nữ tác giả Joan Didion đã viết một lần trong một tiểu luận: “Tôi viết, để tìm ra điều tôi nghĩ.” Có lẽ định nghĩa này gần với động lực viết của tôi nhất. Tuy nhiên thêm vào động từ “nghĩ”, tôi sẽ bổ túc động từ “cảm thấy”. Tôi có thể nhớ lại khi còn bé tôi đã làm nhật ký, bằng cách viết về nhiều thứ, những thứ mà tôi chẳng hiểu gì nhiều - người lớn, chiến tranh, tình yêu. Nhưng lập văn về những điều ấy đã giúp tôi đồng thời xếp đặt được những cảm xúc của mình về những đề tài này. Và cho đến hôm nay điều ấy đã ít thay đổi.
Tôi nghĩ rằng, về sau đối với tôi lại khó hơn khi ghi chép lại những điều một cách thật trực tiếp và không do dự như một đứa trẻ thường làm thế. Bởi vì dĩ nhiên tôi không chỉ viết cho mình mà còn cho một độc giả. Luôn luôn tôi cứ phải quanh co về các câu cú, tôi nghĩ rằng người khác sẽ thích đọc. Những câu văn này chỉ đẹp một khoảnh khắc, rồi chúng không tác động nữa, tôi phải sửa chúng, lui tới mãi hoài cho đến khi tôi xoá chúng và đến được tận hạt nhân của sự việc: cho đến khi tôi viết được một câu, mà chính tôi thích đọc nó như độc giả thích đọc nó. Bởi vì đối với tôi nó diễn đạt một chân lý. Một chân lý mà người ta không tìm thấy trong sách từ điển. Một câu mà người ta chỉ có thể tìm được trong văn chương, trong nghệ thuật, trong phim ảnh, hay trên sân khấu. Một thứ chân lý cảm xúc.
Tôi tìm cách biến thành nữ độc giả của chính tôi. Tôi tìm những câu chuyện làm tôi thích thú. Tôi sử dụng thứ ngôn ngữ thu hút mình, tôi thử viết một cuốn tiểu thuyết đang còn thiếu trên kệ sách của mình. Tôi đã làm như thế cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất được phổ biến cho đến bây giờ. Tôi là con gái của một gia đình người Thổ di cư tại nước Đức và thường tự hỏi mình:
Tại sao trong văn học Đức những người tị nạn theo Hồi giáo, nhất là con gái của họ luôn luôn bị mô tả một chiều? Tại sao những nhân vật luôn luôn lại chán phè và hời hợt như thế, đến nỗi tôi không thể đồng hoá với họ được? Tại sao họ luôn thụ động và dễ mến? Không ai có thể chỉ luôn luôn dễ mến. Như thế hình thành câu chuyện về một đứa con gái người tị nạn giận dữ, đã đẩy một người đàn ông Đức ra trước xe điện ngầm và nó không ân hận.
Viết dính líu đến thế lực. Có những điều, trên phương diện xã hội và chính trị, tôi tuyệt đối không thoả mãn với những điều ấy. Dĩ nhiên chúng đóng một vai trò trong những văn bản của tôi, nếu không nói là vai rất lớn nữa kia. Trong lúc ấy chuyện chính là không phải đưa ngón tay chỉ trỏ người khác, mà chính là chuyện về một chúng mình, chúng ta: Tại sao chúng ta thất bại với tư cách xã hội? Tôi sử dụng việc viết của tôi để đặt ngón tay vào vết thương. Vết thương này phần nhiều cũng chính là vết thương của tôi. Đàn áp, bóc lột, vũ lực - đó không phải là những đề tài trừu tượng, mà chính là thực tại cho phần lớn người đời. Bất công ấn định suy nghĩ của chúng ta, ấn định cách thế chúng ta sống như thế nào. Như thế chúng cũng ấn định cách viết của tôi.