Mỗi một năm đều có nhiều người di cư sang Đức từ các nước khác chuyển. Hơn 20% dân số Đức có một truyền thống văn hóa khác. Nhiều người trong số họ nói đa ngôn ngữ, họ không chỉ nói tiếng mẹ đẻ mà còn cả một hoặc nhiều ngoại ngữ khác. Nhiều người khi nhập cư sang Đức còn học tiếng Đức làm ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ thứ hai. Nếu bạn nói được ngôn ngữ bản địa hoặc ngôn ngữ của khu vực nơi bạn sinh sống (tiếng địa phương), bạn có thể giao tiếp tốt hơn với người ở đó và hiểu hơn cung cách ứng xử của họ.
Ưu điểm của việc đa ngôn ngữ
Nói được nhiều ngôn ngữ là một năng lực quan trọng trong thế giới hiện nay của chúng ta. Ranh giới giữa các nước giờ thoáng hơn ngày xưa và ngày càng có nhiều người di cư sang các đất nước xa lạ khác. Ai nói được ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ, người đó có nhiều cơ hội. Trong đời sống riêng tư cũng như trong công việc, ai nói được nhiều ngoại ngữ, người đó có thể giao lưu với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Những ai nói được đa ngôn ngữ đều có năng lực đa văn hóa, nghĩa là họ có thể quan sát cách ứng xử của những người khác từ các khía cạnh khác nhau. Trẻ em và người nhập cư lớn lên ở Đức thường học được ngôn ngữ của bố mẹ (tiếng mẹ đẻ) từ khi mới sinh ra. Cùng với ngôn ngữ, họ còn học được nhiều về văn hóa và truyền thống của quê hương bố mẹ mình. Trẻ thường học tiếng Đức qua tiếp xúc và vui chơi với các bạn và người lớn khác, ví dụ như ở nhà trẻ hoặc ở trường. Những em này lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ.
Ý nghĩa của tiếng Đức
Đối với người lớn, học tiếng Đức là việc quan trọng, bởi vì qua đó, họ có thể giao tiếp với những người cùng sống ở Đức. Nói được ngôn ngữ bản địa cũng là một hỗ trợ lớn trong quá trình hòa nhập xã hội. Đối với trẻ, có được kiến thức tiếng Đức tốt đặc biệt cần thiết để các em có thể đi học ở trường Đức.
Đầu vào và đầu ra
Khi học một ngôn ngữ, đầu vào và đầu ra rất quan trọng. Đầu vào chính là ngôn ngữ mà bạn nghe và đọc. Bạn cần thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ này, tốt nhất là trong các tình huống thực tế. Đầu vào còn cần có chất lượng cao, nghĩa là nó phải đến từ một người nói thạo ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ, đọc những cuốn sách phù hợp cho trẻ nghe là một hình thức đầu vào rất tốt.
Bên cạnh đầu vào thì đầu ra cũng rất quan trọng. Đầu ra chính là ngôn ngữ mà bạn sử dụng, nghĩa là để nói hoặc viết. Việc sử dụng được ngôn ngữ đó là rất cần thiết. Để nói thạo một ngôn ngữ, người ta cần có nhiều dịp vận dụng ngôn ngữ đó trong các tình huống thực tế. Nói và viết là các cách ôn luyện rất tốt và quan trọng.
Nếu ở nhà, ngôn ngữ mà bạn nói với con mình không phải tiếng Đức mà là tiếng mẹ đẻ thì có các khả năng khác nhau để lý giải điều này.
Ý nghĩa của ngôn ngữ gia đình
Ở nhiều gia đình, bố mẹ cùng nói một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của các gia đình nhập cư hầu như không phải là tiếng Đức. Để trẻ có thể học ngôn ngữ gia đình, bạn nên nói tiếng mẹ đẻ ở nhà. Có như thế, trẻ mới phát triển được sự kết nối gần gũi về mặt cảm xúc với tiếng mẹ đẻ và văn hóa quê hương.
Tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ đầu tiên hoặc ngôn ngữ được nói trong gia đình) của trẻ em và người lớn cũng luôn truyền tải thông tin, truyền thống và các giá trị văn hóa. Các gia đình không nên ngừng nói tiếng mẹ đẻ, mà nên sử dụng nó để nói với trẻ và nói trong nhà. Nói được tốt tiếng mẹ rất quan trọng đối với trẻ. Có được một nền tảng ngôn ngữ vững chính là điều kiện tốt nhất để đạt được trình độ ngoại ngữ tốt. Ở các thành phố lớn thường còn có các nhà trẻ nhị ngôn (hai thứ tiếng) và thậm chí tam ngôn (ba thứ tiếng).
Mỗi người một ngôn ngữ
Ở một vài gia đình, bố và mẹ không nói cùng một ngôn ngữ. Nhiều bậc phụ huynh áp dụng phương pháp mỗi người một ngôn ngữ. Mỗi người nói với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Đôi khi ngôn ngữ gia đình, nghĩa là ngôn ngữ mà cả bố mẹ và con cái dùng để nói với nhau, là một trong hai thứ tiếng (ngôn ngữ của bố hoặc ngôn ngữ của mẹ). Có đôi khi thì đó lại là ngôn ngữ thứ ba mà cả bố lẫn mẹ đều thông thạo.
Những khía cạnh quan trong trong việc giáo dục đa ngôn ngữ
Quan trọng đối với việc giáo dục đa ngôn ngữ chính là việc bố mẹ đều gắn bó với ngôn ngữ của mình. Tất nhiên tốt nhất là mẹ hoặc bố nói với con bằng tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ đầu tiên) của mình. Nếu có ngôn ngữ gia đình, bạn luôn nên nói nó ở nhà. Nếu trẻ không thích nói một ngoại ngữ nào đó, bạn không nên ép con. Đó thường là những thời điểm thoáng qua. Bố mẹ cũng cần để ý cả đến việc không trộn quá nhiều ngôn ngữ trong lời nói của mình. Những bậc phụ huynh có thái độ tích cực với tiếng mẹ đẻ của mình luôn đem lại động lực tốt để trẻ muốn học ngôn ngữ của bố mẹ.
Khuyến khích trẻ nói (các) tiếng mẹ đẻ rất quan trọng. Nhưng khuyến khích ngôn ngữ môi trường xung quanh cũng quan trọng hệt như thế.
Có rất nhiều nơi tư vấn chuyên hỗ trợ và giúp đỡ về chủ đề giáo dục đa ngôn ngữ. Nhiều thành phố và phường xã đều có văn phòng hoặc nơi công tác đa văn hóa. Những người làm việc ở đây có thể cung cấp thông tin về các chương trình ngôn ngữ và văn hóa cũng như các gợi ý hữu ích. Cả những cơ sở tư nhân cũng có các nơi tư vấn. Ngoài ra gần đây còn có các trung tâm chuyên về chủ đề đa ngôn ngữ và đa văn hóa. Nếu gõ tìm „nơi tư vấn đa văn hóa“ hoặc „nơi tư vấn đa ngôn ngữ“ trên mạng, bạn có thể tìm được nhiều đường links và chỉ dẫn.
Khuyến khích tiếng Đức cho trẻ
Mỗi tiểu bang đều có những chương trình, phương pháp và mô hình riêng để khuyến khích ngôn ngữ của trẻ ở nhà mẫu giáo và trong các trường tiểu học. Nếu trẻ nói chưa thạo tiếng Đức, trẻ sẽ được hỗ trợ bằng các chương trình khuyến khích ngôn ngữ, ví dụ như qua các khóa học tiếng trước khi nhập trường hoặc trong các lớp khuyến khích môn tiếng Đức. Nhưng nếu trẻ còn cần được hỗ trợ học tiếng Đức nhiều hơn nữa thì còn có các nơi tư vấn cung cấp thông tin và các gợi ý.
Khuyến khích tiếng mẹ đẻ
Ngôn ngữ đầu tiên của trẻ có thể được khuyến khích ở nhà và ở các cơ sở. Để củng cố ngôn ngữ gia đình, các bậc phụ huynh có thể thường xuyên đọc sách cho trẻ, cùng hát các bài hát và chơi với trẻ. Bạn có thể gọi điện thoại hoặc gọi qua Skype với các thành viên trong gia đình. Nếu bạn quen các gia đình đến từ cùng vùng miền ngôn ngữ và văn hóa, bạn có thể cho trẻ cùng chơi và cùng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ đó.
Nhiều lãnh sự quán và hiệp hội còn cung cấp các chương trình hỗ trợ tiếng mẹ đẻ cho trẻ tới tuổi đi học. Trong giờ học này, trẻ sẽ học đọc và viết bằng tiếng mẹ đẻ. Trẻ còn nhận được các thông tin về đời sống và các truyền thống nơi quê nhà. Ở vài tiểu bang còn khuyến khích tiếng mẹ đẻ cả trong các trường thường. Giờ học này được gọi là giờ học bổ sung ngôn ngữ mẹ đẻ (MUE).
Bạn có thể tìm thấy trên mạng rất nhiều hiệp hội và tổ chức của các nhóm ngôn ngữ và văn hóa nhất định, ví dụ như các nhóm vui chơi cho trẻ, các hội thể thao hoặc nơi thường xuyên gặp mặt. Cả trẻ lẫn bố mẹ đều có thể nhờ đó thường xuyên nói ngôn ngữ gia đình hoặc tiếng mẹ đẻ trong các tình huống thực tế.
Video International Sign
Bạn có câu hỏi nào nữa không? Nếu có, hãy viết cho chúng tôi theo tờ mẫu liên hệ. Chúng tôi sẽ chuyển tiếp câu hỏi của bạn đến cán bộ tư vấn của Cơ quan Hỗ trợ thanh thiếu niên có nguồn gốc nhập cư.
Dẫn đến tờ mẫu liên hệ