Cửa hàng, cửa hiệu trong đời sống hàng ngày
Trong tất cả các thành phố và một vài làng mạc ở Đức đều có các siêu thị. Ở đó, bạn mua được nhiều đồ dùng quan trọng cho đời sống hàng ngày: bánh mì, thịt, sữa chua, socola, giấy vệ sinh và đồ tẩy rửa. Các siêu thị thường mở cửa từ 7h cho đến muộn nhất là 20h. Bạn muốn mua thực phẩm tươi sống? Ở nhiều nơi có chợ phiên họp một đến hai lần trong tuần. Chợ thường họp vào thứ bảy. Tại phiên chợ này, bạn mua được rau quả tươi và những đặc sản của địa phương. Thịt và xúc xích tươi có bán ở các cửa hàng thịt gọi là Fleischereien (ở miền Nam nước Đức người ta gọi là Metzgereien). Bánh mì tươi có bán ở các tiệm bánh.
Các tiệm bánh, cửa hàng thịt và các cửa hàng nhỏ khác thường đóng cửa nghỉ trưa. Buổi tối, họ cũng thường chỉ mở đến 18h hoặc 18h30. Chợ phiên hàng tuần thường họp từ sáng sớm đến chiều. Vào chủ nhật thì tất cả các cửa hàng đều đóng cửa.
Dịch vụ vận chuyển
Nếu bạn muốn mua sắm mà không phải ra khỏi nhà, bạn có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển: Bạn gọi đến nơi đặt hàng hoặc điền vào mẫu đơn trên mạng. Sau đó, người ta sẽ chuyển hàng đến nhà, ví dụ như bánh Pizza hoặc nước khoáng. Nhưng dịch vụ này thường đắt hơn so với việc mua tại cửa hàng. Ở nhiều làng còn không có cửa hiệu, nhưng các lái buôn thường hay đi xe tới đó. Họ bán thực phẩm và những thứ cần thiết khác cho đời sống hàng ngày.
Cửa hiệu và mạng Internet
Nếu như bạn muốn mua tủ, máy tính hoặc giầy dép, bạn có thể tới khu mua sắm hoặc cửa hiệu. Những khu mua sắm thường có rất nhiều sản phẩm khác nhau. Khu mua sắm thường có ở các thành phố. Các cửa hiệu thì tập trung vào một số sản phẩm nhất định. Ví dụ như cửa hiệu bán đồ gỗ, cửa hiệu hàng điện tử hoặc giầy dép. Giờ mở cửa thường là từ 9-20h đôi khi chỉ mở đến 18h30.
Ngày nay, bạn cũng có thể mua nhiều thứ qua mạng. Thường thì bạn chỉ phải đợi vài ngày, hàng sẽ được gửi đến tận nhà.
Thanh toán
Ở Đức có nhiều phương tiện thanh toán khác nhau. Bạn có thể dùng tiền mặt để thanh toán khắp mọi nơi. Nếu bạn có tài khoản nhà băng hoặc ngân hàng, bạn nhận được thẻ EC và thường cả thẻ tín dụng (Mastercard hoặc Visa). Ở phần lớn các cửa hàng, bạn có thể dùng thẻ EC hoặc thẻ tín dụng để thanh toán.
Trên mạng, người ta thanh toán bằng thẻ tín dụng, bằng cách chuyển khoản hoặc hóa đơn. Nếu bạn chọn cách chuyển khoản, bạn phải điền những thông tin tài khoản của mình trên mạng. Số tiền sẽ được trừ từ tài khoản của bạn. Còn chọn hóa đơn, bạn sẽ tự chuyển tiền từ tài khoản của bạn.
Giá cả, bảo hành và đổi hàng
Ở đa số các cửa hàng tại Đức người ta thường ghi giá cố định cho các sản phẩm. Trên chợ và đối với những khoản lớn ở các cửa hiện, đôi khi bạn có thể mặc cả. Nhưng thường thì điều này không phổ biến.
Bạn vừa mua hàng và sản phẩm đó bị hỏng? Nếu vậy, bạn có quyền đòi đảm bảo chất lượng trong vòng hai năm đối với hàng mới: Bạn nhận được một sản phẩm mới. Hoặc trả sản phẩm hỏng và nhận lại tiền. Hoặc bạn phải trả ít tiền hơn. Đối với hàng đã qua sử dụng thì bạn có quyền đòi đảm bảo chất lượng trong vòng 12 tháng. Ngoài ra cũng có chính sách bảo hành sản phẩm. Nếu sản phẩm, ví dụ như ti vi bị hỏng trong thời gian bảo hành, bạn sẽ được sửa miễn phí hoặc được nhận ti vi mới. Thời gian bảo hành là 12-24 tháng tính từ ngày mua đầu tiên.
Nhiều cửa hàng cũng cho phép đổi: Nếu bạn không thích sản phẩm, bạn có thể đem trả lại. Bạn sẽ nhận lại được tiền. Trên mạng hoặc trong những cửa hàng lớn và khu mua sắm, thường thì bạn có thể đổi hàng trong vòng 14 ngày. Khi đổi bạn phải đem theo hóa đơn hoặc phiếu thanh toán. Thường thì bạn không đem đổi được những khuyến mại đặc biệt.
Video International Sign
Những câu hỏi thường gặp
Bạn có câu hỏi nào nữa không? Nếu có, hãy viết cho chúng tôi theo tờ mẫu liên hệ. Chúng tôi sẽ chuyển tiếp câu hỏi của bạn đến cán bộ tư vấn của Cơ quan Hỗ trợ thanh thiếu niên có nguồn gốc nhập cư.
Dẫn đến tờ mẫu liên hệ